Chiều 24-8, tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, UBND TP HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị thảo luận, thống nhất kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023.
Nhiều đề xuất
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết vùng Tây Nguyên đóng vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, trọng tâm, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập của các địa phương trong vùng.
Những năm qua, TP HCM và 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều nội dung hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nhằm sớm triển khai thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2025 đã được ký kết ngày 29-12-2022, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch hợp tác và có kế hoạch chi tiết triển khai từng nội dung cụ thể trong năm 2023.
Với lợi thế đất đai màu mỡ, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội với diện tích rừng lớn, đất đỏ bazan màu mỡ, cảnh quan tự nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, trữ lượng bô-xít lớn. Bên cạnh đó, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đang chuẩn bị được trình Quốc hội để đầu tư xây dựng. "Ngoài các nội dung dự thảo, chúng tôi đề xuất tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP HCM cho các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư" - ông Mười nói.
Còn ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị TP HCM tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội. "Đắk Lắk đề xuất cần có một lễ hội sầu riêng. Từ đó chia sẻ với nhau kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ thực vật, bởi TP HCM là trung tâm khoa học - công nghệ" - ông Văn nhấn mạnh.
Thống nhất kế hoạch triển khai
Căn cứ bản thỏa thuận hợp tác phát triển giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025, hội nghị đã thống nhất kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác năm 2023, 2024.
Các nội dung được cụ thể hóa và đáp ứng các định hướng lớn, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, có trọng tâm; phát huy được tiềm năng, thế mạnh của TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên. Xác định các công việc, ưu tiên theo từng ngành, lĩnh vực, chú trọng giải pháp đột phá về chính sách, cơ chế phối hợp thực hiện có hiệu quả nhằm tăng tính động lực liên kết vùng.
Về tổ chức sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia, UBND TP HCM sẽ chủ trì tổ chức 8 sự kiện. Cụ thể, tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Chuỗi sự kiện hội nghị kết nối cung - cầu giữa thành phố và các tỉnh, thành năm 2023. Chương trình kết nối cung cầu chuyên đề đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP. Tổ chức hội chợ du lịch quốc tế TP HCM, hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông - lâm - thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP…
Đối với tỉnh Đắk Lắk, sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại tỉnh Đắk Nông sẽ có hội thảo và tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, phát triển thương hiệu. Xây dựng gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch của TP HCM. Gia Lai sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi các nội dung hợp tác giữa ngành Y tế TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Kết nối các sự kiện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giữa TP HCM và các tỉnh thuộc vùng. Ngoài ra, các lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, "Đắk Nông - Mùa bơ chín", cồng chiêng Tây Nguyên, hoa Đà Lạt… do UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì.
UBND TP HCM đề nghị UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên phân công một lãnh đạo phụ trách chủ trì, chỉ đạo. Thành lập tổ công tác của tỉnh để phối hợp tổ chức triển khai những nội dung đã thống nhất. Phối hợp các đơn vị TP HCM để xây dựng kế hoạch chi tiết, hỗ trợ địa điểm, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động. UBND TP HCM là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai kế hoạch chung.
Tạo động lực phát triển
Ông Võ Văn Hoan cho biết ngay sau hội nghị, sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, trường ĐH khẩn trương hoàn chỉnh tổng hợp trình UBND thành phố ban hành kế hoạch chung năm 2023 để sớm triển khai thực hiện. Đề nghị UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành các kế hoạch phối hợp với sở, ngành của TP HCM để triển khai hiệu quả các nội dung đã thống nhất. "Việc triển khai kế hoạch hợp tác trong năm nay làm tiền đề, bài học kinh nghiệm để đến 2025 tiến hành tổng kết chương trình hợp tác. Mục tiêu là đạt được những kết quả thật sự ý nghĩa, thiết thực, tạo động lực phát triển mới cho từng địa phương" - Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Bình luận (0)