UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ về thi hành kết luận thanh tra (KLTT) và thực hiện KLTT giai đoạn 2016 - 2017.
Theo báo cáo, bên cạnh một số kết quả tích cực, hoạt động thanh tra vẫn còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho việc xử lý cá nhân, tổ chức bị thanh tra.
Chẳng hạn như thời gian xây dựng báo cáo một số kết quả, KLTT còn chậm, chưa đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2010. Nội dung kết luận chưa làm rõ nguyên nhân, chưa đánh giá chính xác tính chất, mức độ hành vi vi phạm, chưa phân tích, đối chiếu, cập nhật kịp thời chế độ, pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra...
Trong khi đó, một số cán bộ, công chức trong ngành thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu trình độ, năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra... Số cán bộ công tác trong lĩnh vực này cũng chưa đủ số lượng.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2 từng bị thanh tra nhiều lần nhưng người dân bị ảnh hưởng vẫn khiếu kiện, khiếu nại về dự án
Thực tế trên dẫn tới một số KLTT chưa khả thi, thiếu căn cứ, kiến nghị chung chung, chưa chỉ được cụ thể người, cơ quan có trách nhiệm thực hiện; thời gian thực hiện hoặc kiến nghị một cách áp đặt, miễn cưỡng gây khó khăn trong quá trình xử lý. Ở một số vụ, việc phân tích đánh giá, quy trách nhiệm chưa tương xứng với thẩm quyền của người ban hành kết luận.
Một số ít trường hợp đối tượng bị thanh tra gây thất thoát, lãng phí phải thu hồi tiền, tài sản nhưng bị thua lỗ không có khả năng thanh toán, nộp ngân sách nhà nước. Việc tổ chức thực hiện các đề xuất xử lý liên quan đến cán bộ, công chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, chuyển nơi cư trú... cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, khi cơ quan thanh tra chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thì công an thường đặt vấn đề hành vi vi phạm thuộc điều khoản nào của luật hình sự, trong khi đơn vị thanh tra lại không đủ điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Các vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra nhưng sau đó được kết luận không đủ cơ sở khởi tố hình sự được trả lại và đề nghị xử lý hành chính. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc sau khi được cơ quan công an trả lại đều đã hết thời hiệu xử lý là 24 tháng.
Từ đó, UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra và các quy định liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra. Cụ thể: tăng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra từ 15 lên 20 ngày; KLTT từ 15 lên 30 ngày; bổ sung quy định về công khai KLTT, trình tự thủ tục niêm yết KLTT tại trụ sở cơ quan, đơn vị bị thanh tra; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra...
Bình luận (0)