Chỉ đạo trên chưa biết sẽ đi vào thực tế ở mức độ nào nhưng đã ít nhiều gây tranh cãi. Những người lo ngại cho sự xáo trộn của hoạt động sư phạm truyền thống thì chỉ ra 2 khó khăn đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp: liệu việc bỏ hình thức "dò bài" nói trên có đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thiết kế một buổi học hay không? Nếu bỏ các hình thức khảo bài, kiểm tra miệng thì giáo viên sẽ làm sao để đánh giá năng lực, thái độ học hành của học sinh cho chính xác?
Ở đây, vấn đề đặt ra là bất kỳ một mô hình hay phương pháp giáo dục nào, để mang lại hiệu quả cũng phải nhất thiết là sự cộng hưởng của nhiều điều kiện. Cũng như trước đây, chính các giáo viên văn đã băn khoăn với việc nếu cho phép triển khai hình thức ra đề văn mở thì đâu là một "đáp án" để người chấm điểm có thể dựa vào mà đánh giá năng lực của học sinh?
Tuy nhiên, đó lại là một băn khoăn thừa, vì đi cùng với một bài văn mở là một tư duy mở trong đánh giá. Người chấm bài sẽ phải quen với những cách lập luận thể hiện tư duy, cá tính thể hiện qua văn phong, khả năng triển khai ý phong phú của từng học sinh để đánh giá chứ không thể dựa vào một bộ khung yêu cầu cứng nhắc. Với người dạy sáng tạo thì hình thức đề mở mang lại cho cả học sinh lẫn giáo viên không gian thoải mái, tự do sáng tạo trong dạy và học.
Tương tự, hình thức "dò bài" đã thuộc về một truyền thống sâu xa của phương pháp giảng dạy từ chương, coi kiến thức giáo khoa là những tập hợp đóng kín, học sinh là phía tiếp nhận bài học thụ động, còn giáo viên là người truyền đạt nên cần khảo bài để đo lường hiệu quả giảng dạy. Nhưng cũng từ hình thức khảo bài đã sinh ra biết bao điểm số oan uổng bởi học sinh không thể đáp ứng việc học thuộc lòng, từ đó cũng tạo ra thói quen "học gạo" để đối phó với thầy cô trước lớp. Kết quả là người học... trả lại cho thầy cô thứ kiến thức mình đã nhận, không hơn.
Cần nhìn sâu vào tính phi lý và nặng nề của hình thức này để hướng tới sáng tạo những cách thức giúp học sinh ghi nhớ kiến thức và chủ động hơn: sinh hoạt nhóm, thảo luận, cùng nhau tìm kiếm và trình bày các bài học với sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ... Học sinh cần phải được đặt ở vị trí trung tâm và được hướng dẫn chủ động khám phá tri thức thay vì bị động tiếp nạp những khối bài học từ chương, đóng kín.
Để triển khai hiệu quả, cũng cần đến những hình thức khảo thí, đánh giá năng lực cởi mở hơn thay vì chỉ qua hệ thống điểm số khô khan trên nền tảng "làu thuộc giáo khoa".
Nếu bỏ được hình thức khảo bài, kiểm tra máy móc thì có thể vấn nạn dạy thêm, học thêm cũng sẽ được khống chế và trường học trở thành nơi để học hỏi những hiểu biết, kỹ năng và giá trị sống, sáng tạo trong hạnh phúc, con trẻ không còn có tâm trạng nơm nớp lo âu mỗi ngày.
Bình luận (0)