Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (gọi chung là đề án), đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, báo cáo Bộ Chính trị để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới.
Sẽ bỏ thang, bảng lương
Đề án đặt mục tiêu xây dựng chế độ tiền lương mới đối với khu vực công, thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Đề án xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp (DN).
Đối với khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 bảo đảm mức sống tối thiểu. Giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào chính sách tiền lương của DN.
Một trong những nội dung nổi bật nhất của đề án là hệ thống thang, bảng lương hiện hành ở khu vực công sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là ban hành hệ thống bảng lương mới. Không còn tính lương theo kiểu lấy hệ số lương nhân với mức lương cơ sở như hiện nay, việc tính lương sẽ quy định bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Đề án cũng xây dựng 2 bảng lương đối với khu vực công gồm: 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với CB-CC-VC giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với CC-VC không giữ chức vụ lãnh đạo. Đối với lực lượng vũ trang sẽ có 3 bảng lương gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm, cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp như lái xe, bảo vệ, phục vụ...) sẽ thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương CC-VC như hiện nay.
Cán bộ công chức UBND quận 1, TP HCM trong giờ làm việcẢnh: Hoàng Triều
Khoán quỹ lương, giao quyền tự chủ
Theo đề án, cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới được thực hiện theo hướng: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%. Khoản tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương) sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.
Đáng chú ý, đề án lần này sẽ phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Các nội dung quy định tại đề án còn cho phép mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần; thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với CB-CC thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.
Bộ Nội vụ cho rằng để thực hiện được đề án cần hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm, làm cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Các giải pháp tài chính, ngân sách được xác định là giải pháp đột phá, đó là hằng năm ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương; khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của CB-CC-VC có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương thì cải cách chính sách tiền lương phải gắn chặt với việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế cũng như đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là nhiệm vụ đột phá.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ:
Tiền lương cán bộ - công chức sẽ được cải thiện
Trong đề án này có nghiên cứu tổng thể hệ thống bảng lương cũng như phụ cấp đối với tất cả ngành nghề. Khi đề án được thông qua và triển khai vào thực tế, tiền lương của CB-CC sẽ được cải thiện rõ rệt, tạo ra một mặt bằng mới là tất cả CB-CC-VC đều được tăng lương. Lúc đó, tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Ngoài ra còn có cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc sẽ tạo ra quyền chủ động của thủ trưởng các cơ quan trong chi trả tiền lương.
Dự kiến trong đề án trình trung ương bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng hệ thống bảng lương mới trên cơ sở quy định bằng mức tiền tuyệt đối. Trong đề án, chúng tôi dự kiến đề nghị thiết kế 1 bảng lương theo chức vụ lãnh đạo. Ví dụ chức vụ trưởng thì được hưởng mức lương 17 triệu đồng, cứ ai được bổ nhiệm chức vụ này thì được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.
Đề án cũng thiết kế 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ chung đối với các ngành nghề áp dụng cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này cũng được thiết kế bảo đảm tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo; thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn, không nhất thiết đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:
Bước đột phá, tạo thêm động lực
Những đổi mới về chính sách tiền lương như bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo là một bước đột phá. Quy định trả lương theo vị trí việc làm, tức là vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương đó theo công việc và hiệu quả, trách nhiệm của công việc, không nhất thiết phải đi theo thứ bậc hay điểm xuất phát. Việc này cũng sẽ loại bỏ tư duy "sống lâu lên lão làng" làm hạn chế khả năng, động lực phát triển của người lao động.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH:
Tiết kiệm biên chế, tăng thêm thu nhập
Việc xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực DN đã nói từ lâu nhưng chưa làm được vì chúng ta không có tiền. Do đó để đạt được mục tiêu như đề án, cần phải cân đối được nguồn ngân sách.
Về khoán quỹ lương, muốn làm phải có quyết tâm cao vì thực tế việc khoán quỹ lương trước đây cũng đã có đơn vị thí điểm nhưng chưa thành công vì có "lực cản" về sự đồng thuận. Nhưng rõ ràng, thông qua khoán quỹ lương, các cơ quan có thể sử dụng tiết kiệm biên chế, từ đó tăng thêm thu nhập cho người lao động mà vẫn bảo đảm hoàn thành công việc. Một điểm đặc biệt cần lưu ý, muốn thực hiện cải cách tiền lương phải gắn chặt với tinh giản biên chế, bộ máy hành chính phải tinh gọn, hiệu quả từ trung ương đến cấp xã.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Bảo đảm sự công bằng
Theo đề án, đối với khu vực công sẽ có 2 bảng lương, trong đó 1 bảng lương theo chức vụ, vị trí việc làm, ai giữ chức vụ nào hưởng theo lương chức vụ đó, không phải theo thâm niên như hiện nay. Trả lương theo vị trí việc làm trong đề án là cách tính để bảo đảm sự công bằng.
Việc điều chỉnh tăng lương công chức, viên chức phải gắn với tinh giản bộ máy để làm sao sắp xếp đúng người, đúng việc, giảm gánh nặng cho ngân sách. Nếu làm được điều này sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu quả phục vụ nhân dân.
D.Văn ghi
Bình luận (0)