Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã có nhiều chuyển biến tích cực, như: lạm phát tiếp tục được kiểm soát; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%...
Doanh nghiệp vận tải đóng 70 loại phí
Ngoài ra, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỉ USD, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như: giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp Ảnh: TTXVN
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về phát triển kinh tế theo hướng tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ hơn, bám sát hơn nữa các chỉ tiêu đối với các sản phẩm ngành hàng, dịch vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính nhưng "giấy phép con, giấy phép cháu" vẫn còn nhiều. "Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà" - Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết các loại giấy phép.
Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn. Đơn cử, phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh. Việc đề xuất tăng thuế GTGT cần phân tích, có lộ trình cụ thể và thông tin để lấy ý kiến người dân.
Sân bay Long Thành: Sẽ công khai, minh bạch
Tại phiên họp báo Chính phủ vào cuối giờ chiều, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày những điểm mới trong thay đổi chính sách thuế.
Theo bà Mai, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế do Bộ Tài chính soạn thảo là dự án luật quan trọng, tác động rộng nên bộ đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ. "Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất GTGT không nhiều. Chưa kể, nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những đối tượng này. Về tác động tới lạm phát, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá là hạn chế" - Thứ trưởng Mai nêu.
Ngoài ra, bà Mai cho hay dự án luật có nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, Chính phủ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để cơ cấu lại thu, chi ngân sách...
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi về việc thanh tra tài sản, đất đai của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã quá thời hạn kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện kết luận rồi mới công bố rộng rãi.
Về quan điểm của Chính phủ trước việc Geleximco muốn cùng đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay tỉnh Đồng Nai đã lập xong nghiên cứu khả thi đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ đang triển khai lựa chọn tư vấn làm nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến triển khai trong năm 2018-2019 và sẽ trình Quốc hội theo đúng quy định Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.
"Bộ hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm tới dự án. Nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng nêu một số hạng mục nhà nước dùng vốn đầu tư công hoặc huy động từ thành phần kinh tế khác. Hiện dự án trong quá trình tuyển chọn tư vấn nên chưa hoàn thành nghiên cứu khả thi, tới khi cấp có thẩm quyền đồng ý thì chúng tôi mới triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Quan điểm của Chính phủ về vụ Trịnh Vĩnh Bình
Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt kiện đòi bồi thường 1,25 tỉ USD mà một tòa án quốc tế phán xét, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện vụ việc này tòa án quốc tế đang xem xét.
"Theo các nguyên tắc về bảo hộ, khi có vấn đề tranh chấp vi phạm thỏa thuận của một địa phương nào đó với nhà đầu tư nước ngoài thì họ không kiện địa phương mà kiện chính phủ" - ông Dũng nói.
Bình luận (0)