Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN). Những nội dung về hiệu quả trong nghiên cứu, ứng dụng cũng như thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực này được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt.
Bao nhiêu đề tài thiết thực?
Chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình KH-CN. Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.
Cùng mối quan tâm, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị cho biết trong các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh KH-CN là ngành đặc thù, rất khó để đánh giá thành công của các đề tài nghiên cứu, bởi có đề tài nghiên cứu xong, chưa phát huy tác dụng ngay nhưng sẽ có giá trị trong nhiều năm sau này. Có những đề tài mất nhiều thời gian mới có thể ứng dụng vào thực tế và đánh giá mức độ thành công. Do vậy, không thể thống kê một cách đầy đủ và rất khó để thống kê hoàn chỉnh.
Khu Công nghệ cao TP HCM thu hút nhiều nhà khoa học làm việc. Trong ảnh: Đoàn của Tổng thống Sierra Leone, Julius Maada Bio, tham quan Khu Công nghệ cao TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Bộ trưởng, hoạt động KH-CN có tính đặc thù, đi tìm những cái mới, nên có thể thành công hoặc không thành công, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là làm sao xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học.
Liên quan đến quan điểm có chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học hay không? Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2023, Bộ KH-CN đã sửa hàng loạt thông tư quy định về quản lý các công trình, nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN, để bảo đảm liên thông, đồng bộ với nhau. Trong đó, quy định về tuyển chọn, xét chọn nhiệm vụ KH-CN đã được sửa đổi theo hướng bãi bỏ các quy định mà những nhà khoa học là chủ nhiệm có nhiệm vụ nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ KH-CN trong 2 năm tiếp…
"Ngày 17-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có dự sự kiện 60 năm Bác Hồ với ngành KH-CN. Tại sự kiện, Thủ tướng cũng khẳng định phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học" - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói. Ông mong muốn các cấp có thẩm quyền tin tưởng hơn nữa vào các nhà khoa học, giao trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách cho họ một cách thỏa đáng giúp họ có thể phát huy năng lực, khả năng để cống hiến.
"Hụt hẫng" nhà khoa học đầu ngành
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) về giải pháp chiêu mộ nhân tài về bộ làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ KH-CN, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học, bởi có chủ trương nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng nhiều quy định.
Theo Bộ trưởng, triển khai Nghị quyết 27 năm 2008 của trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ KH-CN được Chính phủ giao xây dựng đề án. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng sẽ cố gắng để đề án thu hút được những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, theo ông, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời, giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu của thủ trưởng các tổ chức KH-CN.
Đồng tình với ý kiến của ĐB Lê Thanh Vân và ĐB Nguyễn Lân Hiếu về vấn đề cốt lõi phát triển KH-CN và vấn đề nhân tài, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng trong báo cáo của bộ có nêu đội ngũ cán bộ KH-CN có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất "nhức nhối".
Ông Nghĩa băn khoăn trong thời chiến tranh hay những năm bao cấp, kinh tế rất khó khăn, thông tin rất ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bây giờ trong điều kiện công nghệ phẳng, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội đã tốt hơn rất nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với quan điểm "để kích nổ" KH-CN đột phá phải có nhân tài như ĐB Lê Thanh Vân nói. Tuy nhiên, ông lưu ý để có nhân tài phải có môi trường để họ cống hiến tốt, cơ chế, chính sách phù hợp. "Ngày xưa, trong điều kiện khó khăn cũng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa sản xuất vũ khí súng ba càng, súng Bazooka; bác sĩ Đặng Văn Ngữ sản xuất Penicillin hay nhà bác học như Lương Định Của" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để KH-CN và đổi mới sáng tạo thật sự là đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bình luận (0)