Ngày 30-10 là hạn cuối cùng để các trường ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 550 giáo viên (GV) dôi dư (trừ một số ít đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ) theo chỉ đạo của UBND huyện. Theo đúng hạn định và chỉ đạo của tỉnh, các trường buộc phải cắt hợp đồng với những GV này, bất chấp quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ không được giải quyết.
Sẽ nhờ tòa phân xử
Vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 550 GV hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã kéo dài hơn nửa năm qua. Trong quá trình giải quyết vụ việc, GV hy vọng về một giải pháp nhân văn, như sẽ được tiếp tục dạy học hoặc được hỗ trợ, bồi thường hợp đồng, được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp… Nhưng kết cục họ nhận trái đắng, trắng tay rời bục giảng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Diệu là một trong 18 GV "trong chỉ tiêu biên chế" của Trường THCS Ngô Mây đã bị chấm dứt hợp đồng lao động sau nhiều năm gắn bó với nghề giáo. Trao đổi với chúng tôi vào ngày 30-10, cô Diệu nghẹn ngào: "Những ước mơ, hoài bão tốt đẹp đã chấm hết rồi anh ạ!".
Các giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk viết tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ xin cứu xét
Cô Diệu cho biết sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tháng 4-2011, cô được nhận về dạy tại Trường THCS Ngô Mây. Sau đó 1 năm, cô được UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng diện "trong chỉ tiêu biên chế", kèm thỏa thuận đến khi thi, xét tuyển nếu đậu thì vào biên chế, còn không đậu mới chấm dứt hợp đồng. Vậy nhưng, đến nay, cô Diệu cũng như hàng trăm GV khác chưa được thi tuyển mà vẫn bị chấm dứt hợp đồng.
"Nhà trường mời chúng tôi lên, yêu cầu ký vào biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng mà không đưa ra một giải pháp nào nhân văn, hợp tình hợp lý thì làm sao chấp nhận. Chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi cho mình" - cô Diệu bất bình.
Với lý do huyện không tổ chức thi tuyển như cam kết, nhiều GV đã không ký vào biên bản thanh lý hợp đồng. Một số GV còn viết tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ xin cứu xét.
Lạnh lùng "cắt cơm"
Trước đó, ngày 29-10, Trường THCS Ngô Mây đã mời toàn bộ 18 GV hợp đồng tại trường tới họp để thanh lý hợp đồng. Bị buộc chấm dứt hợp đồng, GV đề nghị thay đổi câu chữ trong biên bản thanh lý hợp đồng, từ "Hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng" thành "Nhà trường dưới sự chỉ đạo của UBND huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động".
Đáng chú ý, biên bản cuộc họp có nội dung: "Tiền đền bù sẽ do UBND huyện mời lên thỏa thuận mức đền bù cụ thể". Do đó, GV yêu cầu UBND huyện công bố mức đền bù, cách tính và thời gian chi trả vì cho rằng UBND huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi cho GV, chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Krông Pắk. Câu trả lời nhận được từ một lãnh đạo huyện này là theo phương án chấm dứt hợp đồng đã được các cấp phê duyệt, GV chỉ được chi trả khác khoản lương, phụ cấp mà trước đây chưa trả đủ. Ngoài ra không có bất kỳ khoản nào gọi là bồi thường, hỗ trợ khác. "Chúng tôi cũng đã đề ra nhiều phương án, đề xuất hỗ trợ một phần nào đó cho GV nhưng các quyết định, hợp đồng lao động trước đây ký không đúng nên không có căn cứ xử lý. Không thể lấy cái sai này xử lý cái sai trước" - vị lãnh đạo huyện lạnh lùng tuyên bố.
Cũng theo vị này, việc dừng hợp đồng phải giải quyết dứt điểm trong ngày 30-10. Trường hợp GV nào không ký vào biên bản thanh lý hợp đồng thì nhà trường cũng sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, vì không còn cách nào khác. GV có quyền khởi kiện ra tòa nếu thấy quyền lợi của mình không được bảo đảm.
Vị lãnh đạo huyện còn nhấn mạnh: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắk sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm, chứ không có hỗ trợ kinh phí chuyển đổi việc làm.
Thiếu hàng trăm giáo viên
Vụ việc chấm dứt hợp đồng GV xảy ra trong bối cảnh huyện Krông Pắk thiếu GV trầm trọng, đặc biệt là bậc mầm non. Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk, cho biết trong năm học 2018-2019, riêng bậc mầm non huyện thiếu khoảng 160 GV. "Hiện nay hiệu trưởng, hiệu phó cũng dạy. GV đau ốm cũng không được nghỉ. Trước mắt, phòng sẽ xin chủ trương cho biên chế xét tuyển 80 GV" - ông Vinh nói.
Bình luận (0)