Trong buổi lễ chào cờ hằng tháng của Sở Văn hóa và Thể thao (VH -TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa diễn ra hôm 7-9, các cán bộ, nhân viên của đơn vị này đã mặc trang phục áo dài truyền thống. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.
Tiên phong mặc áo dài
Cách đây chừng một tháng, các cán bộ Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng đăng ký đặt may đồng bộ áo dài truyền thống. Trong đó, nữ chọn áo dài màu tím đặc trưng; phía dưới mặt trước có họa tiết hoa sen, trên có hình chữ làm nổi bật nét duyên dáng, nhẹ nhàng. Các cán bộ nam thì đặt may áo dài ngũ thân nền áo màu xanh đậm, quần trắng rất trang nhã, lịch thiệp. Họ còn mang tấm thẻ bài mô phỏng theo kiểu xưa với 4 chữ nho là "Nguyên Phong Chấp Sự", tức là giữ gìn phong tục xưa.
Theo Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ "quốc phục" từ bao đời nay của dân tộc, góp phần khẳng định "Huế - Kinh đô áo dài" của Việt Nam". Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.
Nhiều ý kiến tán dương hoạt động này của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng cũng không ít người chê bai rằng: "Các công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như những liền anh đi hát quan họ", "mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc", "rảnh quá, công sở chứ đâu phải chỗ hát chèo, hát bội, cải lương", "như họp họ tộc", "trang phục công sở nhà nước đã có quy định rõ ràng, Huế không thể làm như vậy được. Mặc như vậy thì ảnh hưởng đến công việc".
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng việc cán bộ ngành văn hóa tiên phong mặc áo dài vào ngày thứ hai mỗi đầu tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành, các lễ hội... là cần thiết nhằm khuyến khích cộng đồng phục hồi di sản này. "Dĩ nhiên, ban đầu sẽ gặp khó khăn như khi phụ nữ mặc lại áo dài cách đây vài chục năm nhưng tôi tin rằng dần dần cộng đồng sẽ chấp nhận" - ông Hải kỳ vọng.
Việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu. Đối với nam giới thì áo dài ngũ thân ra đời tại Huế từ năm 1744, thời Nguyễn đã đưa lên làm quốc phục, nghĩa là nó đã hoàn chỉnh và có hàng trăm năm lịch sử. Theo ông Hải, áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý của người đàn ông nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, nên có ý nghĩa phải tự răn mình cần giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý của người quân tử. Từ thời vua Khải Định đã có sự kết hợp mang loại giày Tây màu đen với áo ngũ thân nên cũng khá phù hợp.
"Chúng tôi là cơ quan được tỉnh giao cho nhiệm vụ thực hiện đề án Huế - Kinh đô áo dài. Việc mặc áo dài nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh đó tạo ra sản phẩm du lịch, tạo công việc cho những người làm nghề may áo dài" - ông Hải nói thêm.
Áo dài ngũ thân của nam công chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế
Đáng khuyến khích
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã nhiều năm nghiên cứu về áo dài truyền thống Huế. Ông cho rằng việc làm của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế rất đáng khuyến khích. Đây không phải là bộ trang phục làm việc hằng ngày của công chức nhà nước mà là lễ phục trong dịp lễ, được mặc trong ngày làm lễ chào cờ đầu tiên của tháng.
"Họ mặc áo dài vào ngày lễ nên rất trang trọng, mặc để quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa. Còn những ngày khác, họ vẫn mặc áo quần bình thường để làm việc nên 2 vấn đề này chẳng có gì mâu thuẫn" - ông Hoa đánh giá.
Đối với bộ áo dài ngũ thân mà nam công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra mắt, ông khẳng định đã có phong cách truyền thống, mặc kết hợp với quần ống màu trắng xuất hiện từ thời vua Minh Mạng, khăn đóng từ thời vua Thành Thái.
"Không thể so sánh bộ áo dài của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra mắt với áo dài của các diễn viên hát chèo, tuồng trên sân khấu được. Đây là bộ lễ phục rất đẹp, rất trang nghiêm, đúng truyền thống. Áo dài các diễn viên đã biến tướng, bị sân khấu hóa nên 2 cách khác nhau hoàn toàn" - ông nhận xét thêm.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống, nhận xét ý tưởng của Huế rất hay, một sự cố gắng rất lớn, thiết thực để tôn vinh di sản áo dài mà khó nơi nào làm được. "Thời triều Nguyễn thì vua quan cũng mặc áo dài ngũ thân làm việc. Giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo ngũ thân. Hiện nay, hình ảnh về áo dài ngũ thân nguyên bản đã bị áo dài trang phục sân khấu chiếm lĩnh, đi kèm đó là sự tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ nên nhiều người cứ so sánh với trang phục diễn viên" - ông Bình phân tích.
Ông khẳng định rằng áo dài ngũ thân đúng truyền thống không hề vướng víu mà còn giúp người mặc thể hiện được cốt cách kín đáo, khiêm nhường, giản dị khi đứng trước người đối diện.
Bình luận (0)