Mục tiêu của tái cơ cấu kinh tế là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực nhà nước. Thời gian qua, chúng ta thực hiện tái cơ cấu trên 3 mảng vấn đề: áp đặt buộc các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường; nâng cao hiệu quả quản trị DN thông qua việc áp dụng các thông lệ quốc tế; cuối cùng là cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn. Tuy nhiên, trong tổng kết của chúng ta và dư luận xã hội chủ yếu tập trung vào CPH và thoái vốn.
Việc áp đặt nguyên tắc thị trường đối với DNNN đã có những dấu hiệu thay đổi. Hiện không còn những quyết định hành chính, chỉ định, chỉ đạo đãi ngộ đối với DNNN. Không còn cấp vốn để tái cơ cấu, bù lỗ cho DN thua lỗ.
Mặc dù vậy, việc áp đặt nguyên tắc thị trường còn 3 điểm lưu ý. Thứ nhất, cơ quan quản lý chưa tính đúng, tính đủ giá trị DNNN. Thông thường, khi thực hiện CPH, chúng ta mới đánh giá lại tài sản DN theo giá thị trường. Đáng lẽ việc này phải đánh giá với tất cả DNNN từ lâu, bởi không đánh giá thì không nhìn thấy sức mạnh của khu vực kinh tế này. Trong khi đó, giá trị thực của DNNN có thể cao hơn nhiều so với sổ sách.
Thứ hai, chủ sở hữu giao cho người quản lý các tập đoàn, tổng công ty những chỉ tiêu rất thấp nhưng lại không chấp nhận tỉ suất lợi nhuận trên vốn thấp hơn lãi suất đi vay, mà phải cao hơn nhiều, ít nhất cũng tương tự các DN trên thị trường chứng khoán. Do đó, họ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giao cho các tập đoàn, công ty những nhiệm vụ, chỉ tiêu đủ cao, để những người nỗ lực tối đa mới hoàn thành được nhiệm vụ đó.
Thứ ba, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Đây là điểm gò bó, ràng buộc, khó để DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Thực tế nhiều năm qua, DNNN không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên theo nguyên tắc thị trường. Mỗi khi có ông nào đó được trả lương 1 tỉ đồng/năm, dư luận xã hội lại nói cao quá. Tuy nhiên, vấn đề không phải họ nhận được bao nhiêu tiền mà phải đánh giá họ đã làm ra bao nhiêu tiền cho DN.
Thời gian qua, chúng ta đã hành chính hóa rất nhiều trong việc đầu tư kinh doanh, hành chính hóa các động lực của DNNN, cần ưu tiên thay đổi điểm này, tháo bỏ ràng buộc để DN tự chủ trong kinh doanh. Nhà nước chỉ cần xác định ngành nghề kinh doanh, còn làm như thế nào, đầu tư ra sao thì để DN quyết định.
Về quản trị DNNN, so với thông lệ của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), chúng ta còn khoảng cách rất xa. Một nguyên tắc đơn giản, không tốn chi phí mà Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu DN làm như công khai, minh bạch thông tin nhưng không thực hiện. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng DNNN làm rất chậm. Vấn đề ở đây là ý thức thực hiện các quy định, chấp hành chỉ đạo của cấp trên. Điều này cũng cho thấy không có áp lực nào buộc các DNNN phải áp dụng theo nguyên tắc thị trường.
CPH, thoái vốn thời gian qua đã làm tốt, chúng ta cần tiếp tục củng cố xu hướng thiên về chất lượng CPH, không chạy theo số lượng. Tiếp theo đó, cần xem CPH như một đợt cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, chuyển đổi được tài sản kém, chưa tốt thành tài sản tốt. Đừng làm theo xu hướng ngược lại, biến tài sản tốt thành tài sản không tốt, từ đó mới củng cố được nền tảng, phát huy được sức mạnh của DNNN.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)