"Tại những doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên được bảo đảm, quan hệ lao động được cải thiện rõ rệt, giảm tối đa việc phát sinh tranh chấp lao động tập thể, đình công" - ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), khẳng định như vậy tại hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình thương lượng và ký kết TƯLĐTT do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tại TP HCM sáng 21-11.
Nội dung chủ yếu sao chép luật
Theo ông Thành, các TƯLĐTT cũng giúp thu nhập người lao động (NLĐ) tăng từ 15%-20%, chưa kể chế độ phúc lợi như tiền ăn giữa ca, tiền thưởng, trợ cấp nuôi con nhỏ… được bảo đảm.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều DN thờ ơ với việc ký kết TƯLĐTT. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến hết tháng 10-2017, cả nước có 27.866 bản TƯLĐTT được ký kết tại DN, đạt tỉ lệ 21% số DN sử dụng từ 10 lao động trở lên và chiếm 67% số DN có tổ chức Công đoàn (CĐ). Kết quả phân loại ở 40 tỉnh, thành cho thấy TƯLĐTT đạt loại A chiếm 10,72%, loại B chiếm 16,7%, loại C 28,3%, loại D chiếm 21,57% và số TƯLĐTT không được phân loại là 23,18% (hết hạn, không có nội dung có lợi hơn cho NLĐ).
Từ kết quả phân loại cho thấy đa số nội dung các bản TƯLĐTT là sao chép luật hoặc có nội dung gần như chỉ thể hiện chính sách của người sử dụng lao động (NSDLĐ). Nội dung thương lượng tập thể và TƯLĐTT chưa được các bên quan tâm đưa ra những vấn đề cốt lõi của quan hệ lao động để thương lượng như tiền lương, các khoản phụ cấp, tiêu chuẩn nâng lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, tiền thưởng… dẫn đến mặc dù DN có TƯLĐTT nhưng quyền và lợi ích của NLĐ chưa bảo đảm.
Lý giải tình trạng trên, ông Thành cho rằng nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của NSDLĐ, đại diện tập thể NLĐ về thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT chưa đầy đủ, chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng trong thương lượng tập thể để giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động. Lực lượng cán bộ CĐ hiện nay chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm và kỹ năng đối thoại, thương lượng còn hạn chế; có tâm lý ngại va chạm nên không mạnh dạn đề xuất các yêu cầu đưa ra thương lượng tập thể.
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB-XH TP HCM, pháp luật lao động hiện nay không quy định hình thức chế tài đối với đơn vị, DN không xây dựng TƯLĐTT nên DN không chủ động thực hiện. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt. "Nhiều DN thực hiện chế độ phúc lợi cho NLĐ cao hơn luật định nhưng không muốn đưa vào TƯLĐTT vì cho rằng nếu đã ký kết mà kết quả kinh doanh không thuận lợi, không bảo đảm được việc thực hiện sẽ bị chế tài của pháp luật" - bà Hà cho hay.
Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất sẽ có lợi cho doanh nghiệp
Cần có sự vào cuộc của 3 bên
Trước nhận định của Cục Quan hệ lao động - Tiền lương liên quan đến trách nhiệm của tổ chức CĐ trong việc thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng đánh giá này thiếu khách quan, cần lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều phía.
Theo ông Vũ, nhiều năm qua, tổ chức CĐ đã rất nỗ lực trong việc thương lượng ký kết TƯLĐTT nhưng việc DN có hợp tác hay không ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thương lượng. Bên cạnh đó, cần đánh giá thêm kết quả của việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện ký kết TƯLĐTT của các cơ quan chức năng vì việc này cũng tác động rất lớn đến việc tuân thủ pháp luật của NSDLĐ. "Để thực hiện có hiệu quả việc ký kết TƯLĐTT tại DN hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả 3 bên: CĐ, DN và các cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải chỉ riêng tổ chức CĐ" - ông Vũ bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều ý kiến cho rằng NSDLĐ là một bên quan trọng trong việc thực hiện TƯLĐTT. Do vậy, cần quy định biện pháp chế tài phù hợp để răn đe DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cả NLĐ và NSDLĐ các quy định liên quan đến việc thực hiện TƯLĐTT; trang bị kỹ năng thương lượng, đàm phán ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ CĐ. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các cơ quan chức năng tại DN…
Ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm gặp khó khăn
Theo Cục Quan hệ lao động - Tiền lương, hiện nay số đơn vị tham gia TƯLĐTT ngành, nhóm DN còn rất ít so với số DN toàn ngành hoặc so với số DN hoạt động trên cùng một địa bàn có tính chất ngành nghề giống nhau và có xu hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân do quy trình thương lượng, ký kết phức tạp, không có tổ chức đại diện NSDLĐ làm đầu mối mà tổ chức CĐ phải tiến hành thương lượng với từng DN sau đó mới tiến hành thương lượng chung nên mất nhiều thời gian và hiệu quả không cao.
Bình luận (0)