Không hiểu nổi, không kìm lòng được, không gì có thể biện minh... có lẽ là cảm xúc của bất cứ ai khi đọc được thông tin này. Bốn tuổi - cái tuổi còn ngây ngô gọi bố, mẹ chưa rành; cái tuổi lẽ ra đang nhìn thế giới với bao điều mới lạ, đẹp đẽ thì cháu lại ngã xuống với vết thương trí mạng. Những câu chuyện đau xót như trên vẫn luôn diễn ra dù chúng ta đã có sự chuẩn bị, phòng ngừa rất sớm. Khuất lấp trong cuộc sống, trong những nếp nhà tưởng bình yên và cả trong vòng tay được cho là an toàn nhất của bố mẹ, không ít trẻ vẫn bị tổn thương.
Trong hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức cách đây chưa lâu, có một số liệu khiến các đại biểu phải giật mình: Hơn 68% trẻ em từng bị bạo lực. Con số này được đại diện Cục Trẻ em thừa nhận và cung cấp thêm: mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được can thiệp giúp đỡ. Con số này chưa phản ánh hết thực tế, bởi điều kiện xã hội khá phức tạp và hành vi bạo hành, xâm hại luôn được che đậy kín kẽ. Không chỉ ở Việt Nam, bạo lực trẻ em là vấn đề toàn cầu, bất chấp nghịch lý xã hội ngày càng hiện đại, văn minh.
Bảo vệ trẻ em là một trong những mục tiêu tối thượng không chỉ riêng quốc gia nào mà là của cả quá trình phát triển xã hội loài người. Không có một thế hệ kế tiếp an toàn, ưu việt thì tương lai chắc chắn không có nhiều hy vọng. Từ năm 1989, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em - một bản công ước về quyền con người cho đến hôm nay vẫn được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất (196 quốc gia). Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước này vào ngày 20-2-1990. Với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Việt Nam đã không ngừng hài hòa pháp luật quốc gia với Công ước quyền trẻ em. Hiến pháp của Việt Nam quy định: "Trẻ em được nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em". Pháp luật về quyền trẻ em, từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Những quy định cao nhất, chặt chẽ nhất đã có, vấn đề còn lại là thực thi triệt để và nghiêm khắc để không còn một đứa trẻ nào phải tức tưởi chết hoặc tổn thương vì bạo lực. Bảo vệ trẻ em là cách tạo dựng tương lai và khi trẻ em bị tổn thương vì bất cứ lý do gì thì đó chính là lỗi của người lớn.
Bình luận (0)