xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Triển khai nhanh chóng chiến lược vắc-xin Covid-19

Nhóm phóng viên

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin Covid-19; nghiên cứu xây dựng quỹ vắc-xin để huy động các nguồn xã hội hóa

Ngày 24-5, Việt Nam ghi nhận thêm 187 ca mắc mới Covid-19, trong đó 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội và 184 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (105), Bắc Ninh (38), Hà Nội (21), Lạng Sơn (11), Hải Dương (5), Điện Biên (2), Đà Nẵng (1), TP HCM (1). Trong ngày, nước ta có thêm 73 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 2.794 ca. Số ca tử vong là 44.

Dịch bệnh đang được kiểm soát

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong đợt dịch thứ 4 này phần lớn có liên quan đến các khu công nghiệp (KCN) với số lượng công nhân lớn; xuất hiện nhiều biến chủng SARS-CoV-2, diễn biến dịch phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước.

Thủ tướng Chính phủ nhận định trong tuần qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn như: có những địa phương còn lúng túng khi chống dịch tại các KCN; có địa phương, đơn vị chưa chuẩn bị đủ điều kiện phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; việc quản lý cách ly và sau cách ly vẫn còn chưa chặt chẽ; có địa phương chưa linh hoạt, sáng tạo trong phòng chống dịch... 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dịch Covid-19 tiếp tục khó lường, khó kiểm soát, nhất là diễn biến dịch tại các KCN, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội. Do vậy, các ngành, các cấp khẩn trương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về những việc đã làm được, những khó khăn cần tháo gỡ; bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch, bảo đảm thực hiện thành công 2 mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Triển khai nhanh chóng chiến lược vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24-5

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược vắc-xin Covid-19. Cụ thể, nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vắc-xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin; có kế hoạch tiêm vắc-xin phù hợp theo từng giai đoạn, đối tượng ưu tiên; chi tiêu hợp lý để dành ngân sách phù hợp cho chiến lược vắc-xin. "Nghiên cứu xây dựng quỹ vắc-xin để huy động các nguồn xã hội hóa cho chiến lược vắc-xin, trong đó phải công khai, minh bạch, khách quan cả hình thức quyên góp, ủng hộ và sử dụng quỹ này" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết hiện các ca nhiễm mới liên quan đến KCN vẫn tăng ở mức cao, chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Để nâng công suất xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết ổ dịch trong Công ty Canon đã được kiểm soát và dự kiến ngày 25-5 công ty trở lại hoạt động. Trong đêm 23-5, Bắc Ninh phát hiện 1 chùm ca bệnh trong cộng đồng, với 17 ca ở xã Nguyệt Đức (huyện Thuận Thành). Xã Nguyệt Đức đã được phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ đêm 23-5 và làm xét nghiệm cho 1.300 người ở thôn phát hiện ca mắc, đã có 17 mẫu dương tính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng, ban hành văn bản yêu cầu toàn bộ nhân sự làm việc trong các KCN tập trung và các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế; yêu cầu tiếp tục quản lý chặt công nhân trong khu cách ly xã hội và tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản tại các địa phương đang có dịch.

Kiểm soát chặt chẽ, truy vết nhanh chóng

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng ngày, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết TP vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bé 18 tháng tuổi, cháu ngoại bệnh nhân số 4780 ngụ tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3. Theo Giám đốc Sở Y tế TP, qua truy vết, điều tra các trường hợp liên quan những bệnh nhân mắc Covid-19 mới tại TP từ ngày 18-5 đến nay, ngành y tế đã điều tra và tiếp cận 8.374 người để xét nghiệm kiểm tra và cách ly y tế. Hiện TP đang phong tỏa 8 địa điểm để phòng chống dịch Covid-19.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương cần tổ chức giãn cách tại các chợ đêm, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…, mua theo nhóm và hạn chế mức cao nhất tập trung đông người.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hậu kiểm tại các điểm nguy cơ để phòng chống dịch mà ngành y tế xác định như chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, nhà ga, bến xe... Các địa phương cần quán triệt người lao động, công chức, viên chức khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… nên ở nhà, không đến cơ quan và làm theo hướng dẫn của ngành y tế. 

Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nội vụ sẵn sàng đưa trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 đi vào hoạt động, đồng thời phối hợp Sở Y tế cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân trên địa bàn TP. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhấn mạnh thông điệp người dân phải có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và gia đình; khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế ra đường.

Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, hiện có 4 ổ dịch mới phát sinh phức tạp tại thủ đô là chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây ở Công ty CP Tập đoàn T&T (Công ty T&T) và Park 11 Times City; chùm ca bệnh nhập cảnh người Ấn Độ tại Park 9 Times City; chùm ca bệnh tại Hải Dương; ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long. Theo đó, chùm ca bệnh mới tại Công ty T&T và Park 11 Times City đã có 15 F0 tại các địa điểm. Đây là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan tới các địa điểm là Công ty T&T và khu đô thị Times City với rất nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Sắp tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng lâu, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đánh giá: "Sơ bộ nhận định ổ dịch lây từ chính tập đoàn này chứ không phải lây từ gia đình cháu bé ở Times City. Chúng tôi đã cung cấp danh sách 462 cán bộ làm việc ở Công ty T&T, yêu cầu khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm. Đến thời điểm này, chỉ có 20 mẫu gửi lên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội vừa báo cáo có thêm 2 ca dương tính, hiện là 17 ca dương tính. Đề nghị các địa phương nhanh chóng lấy mẫu những người còn lại gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội. Việc này hiện rất chậm, nếu địa phương nào chậm thì sẽ xem xét và có ý kiến của TP. Phải thông tin và truy vết ngay" - ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu cơ quan hành chính các cấp, các công ty, tổ chức hội họp phải bảo đảm khoảng cách 2 m, không quá 50% số chỗ ngồi; họp trực tuyến; phòng họp phải thông thoáng; hạn chế sử dụng máy điều hòa trung tâm, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên; các đơn vị cũng có biển báo cần hạn chế tiếp khách; yêu cầu người dân trở về Hà Nội (bất kỳ địa phương nào) từ ngày 10 đến 25-5 phải hoàn tất việc khai báo y tế online. 

Cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vắc-xin

Ngày 24-5, bên lề cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết với quyết tâm phải có vắc-xin sớm, an toàn và sử dụng rộng rãi nhất cho người dân, Bộ Y tế đã tìm mọi cách tiếp cận với tất cả nguồn vắc-xin trên thế giới.

"Việt Nam đã đàm phán rất sớm, bắt đầu từ tháng 5-2020, cố gắng từ nay đến cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, đồng thời cho biết hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng Covid-19 mới đạt từ 6 tháng đến 1 năm nên không chỉ năm 2021 mà các năm tiếp theo phải bảo đảm đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần đẩy mạnh tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất bảo đảm nguồn vắc-xin trong nước, tham gia chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu. Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 3. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất trên thế giới để tự chủ được nguồn vắc-xin sớm nhất.

T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo