Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ báo cáo về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 đề xuất những chủ trương liên quan đến việc tiêm vắc-xin Covid-19. Theo Bộ Y tế, trước đó Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ khoảng 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên; căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vắc-xin cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn. Theo quy định này, có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm và miễn phí.
Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca
Bộ Y tế cho biết sau khi tổng hợp từ các địa phương, tổng nhu cầu đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí là 19,4 triệu người. Cao nhất là TP HCM với khoảng 1,56 triệu người, thấp nhất là tỉnh Bắc Kạn với khoảng 41,7 ngàn người.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế hoàn thiện hồ sơ trình COVAX Facility hỗ trợ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam. Theo thông báo, COVAX Facility dự kiến cung cấp vắc-xin cho 20% dân số của các nước, nếu có nhu cầu có thể mua qua COVAX Facility hoặc UNICEF với hình thức chia sẻ chi phí (dự kiến có giá 7 USD/liều). Sau khi trao đổi, đàm phán, ngày 15-4, COVAX Facility có thư gửi cho Bộ Y tế thông báo sẽ cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều để bao phủ 20% dân số như đã thông báo, dự kiến sẽ đủ để sử dụng cho số đối tượng ưu tiên là 19,4 triệu người.
Bộ Y tế cho biết trước đây dự kiến sẽ mua thêm 10 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca từ nguồn Công ty VNVC đã đàm phán mua được của nhà sản xuất, do số được COVAX hỗ trợ theo kế hoạch trước đây là 30 triệu liều, không đủ tiêm cho nhóm ưu tiên. Nay theo kế hoạch mới, COVAX hỗ trợ khoảng 40 triệu liều để đáp ứng cho 9 nhóm đối tượng. Tức là đủ vắc-xin cho nhóm đối tượng ưu tiên.
Căn cứ nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí và căn cứ nguồn cung vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam của COVAX Facility, Bộ Y tế trình Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện việc mua 107.600 liều vắc-xin đã tiếp nhận của VNVC theo Điều 26 của Luật đấu thầu hoặc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để mua số vắc-xin này.
Bộ Y tế đề nghị thực xã hội hóa việc tiêm vắc-xin Covid-19
Đối với nguồn vắc-xin của VNVC đã đặt mua của Astra Zeneca, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện theo phương thức xã hội hóa để tiêm cho các đối tượng có nhu cầu nhằm tăng miễn dịch cộng đồng, phục vụ phát triển kinh tế và phòng chống dịch.
Với số lượng nguồn đã có như trên, Việt Nam có đủ 40% vắc-xin theo nhu cầu, số còn lại đang tiếp tục đàm phán tìm nguồn mua và cũng sẽ sử dụng theo cơ chế xã hội hóa, tức là tiêm dịch vụ (người tiêm tự trả tiền), hoặc các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính để mua vắc-xin...
Hiện Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh đã cho biết sẽ chi ngân sách tiêm cho người dân. Cùng đó, TP HCM cũng cho biết sẽ mua thêm 5 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19
Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên), quân đội, công an;
Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, người làm việc tại các cơ quan, đơn vi hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi;
Người sinh sống tại các vùng có dịch;
Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cư đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Bình luận (0)