Ngày 21-7, tiếp theo chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2022; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Nội dung giám sát phải gọn, quan tâm hậu giám sát
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lựa chọn 4 chuyên đề trình QH xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao; 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho UBTVQH tổ chức giám sát. Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021; Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) phát biểu tại nghị trường Quốc hội Ảnh: QUANG VINH
Thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng đối với chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 có quá nhiều vấn đề được nêu ra. ĐB này đề nghị trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của QH cần cụ thể hơn; phạm vi giám sát nên tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực nhất định để tránh dàn trải, thực sự là giám sát chuyên sâu, bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả. Trước mắt cần tập trung giám sát về vấn đề được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm như quản lý, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị sự nghiệp công lập hoặc việc quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.
Theo ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội), trong Tờ trình của UBTVQH có nêu nguyên nhân của những hạn chế trong công tác giám sát thời gian qua. Chúng ta đã chỉ ra được nguyên nhân thì phải có giải pháp để khắc phục những việc này. "Trong năm 2022, các vấn đề chúng ta lựa chọn giám sát nên gọn hơn, không chỉ đưa ra chung chung là thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả giai đoạn 2016-2021 như đang dự kiến" - ĐB Nguyễn Phương Thủy nói.
Bên cạnh đề nghị nội dung giám sát cần gọn hơn, nhiều ĐB đề nghị quan tâm khâu hậu giám sát. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng sau khi giám sát xong đều thấy phần lớn các báo cáo hậu giám sát là rất ít, thậm chí có những việc không biết sau khi giám sát xong rồi thì đơn vị đó, địa phương đó thực hiện những yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào?
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, khi dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến năm 2021 và hiện nay hết sức khốc liệt, có thể sẽ tiếp tục cho đến năm 2022. Chúng ta thấy các nước đã tiêm chủng rồi như Mỹ, Anh hay châu Âu nhưng dịch vẫn tái phát. "Tôi đề nghị xác định vấn đề bảo đảm an sinh xã hội là quan trọng, do đó cần có giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 68. Rất mong QH xem xét" - ông Ngân bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) nhìn nhận vấn đề giám sát, nhất là giám sát tối cao của QH rất cần thiết. Tuy nhiên tùy tình hình thực tế cũng phải "liệu cơm gắp mắm" để lựa chọn nội dung giám sát. ĐB Vũ Trọng Kim đề nghị cần quan tâm hậu giám sát như đề xuất của ĐB Trần Hoàng Ngân, nếu không thì sẽ như "một lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi lưỡi dao rút lên rồi thì nước đầy lại như cũ, không ăn thua gì".
Quyết tâm hoàn thành dự án Luật Đất đai sửa đổi
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH đánh giá đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, QH thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, UBTVQH dự kiến đưa dự án luật này vào chương trình trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.
"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, UBTVQH sẽ trình QH xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp" - ông Tùng cho hay.
Theo tờ trình của UBTVQH, tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV (tháng 5-2022) sẽ trình QH thông qua 5 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cũng tại kỳ họp này trình QH cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi - cho ý kiến lần 1); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) trình QH thông qua 4 dự án luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trình cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi - cho ý kiến lần 2).
Đề cập dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đồng tình với việc đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo ĐB Lê Xuân Thân, việc sửa đổi Luật Đất đai là mối quan tâm của nhiều đại biểu QH, của cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là người dân. "Dự án Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến nhiều vấn đề như giá đất, bồi thường, tái định cư hay quản lý đất đai như thế nào để không lãng phí. QH khóa XIV cũng đã bàn, đưa vào chương trình" - ĐB Lê Xuân Thân nói và cho rằng cần có sự quyết tâm, giao cho Chính phủ, các bộ ngành để ban hành được dự án luật này.
Hôm nay (22-7) QH nghe Chính phủ báo cáo và sau đó thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; nghe Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 trình QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
QH đã kiện toàn toàn bộ nhân sự khóa XV
Sáng 21-7, QH đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm các Ủy ban của QH.
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH khóa XIV - được bầu làm Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH khóa XV. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ông Trần Sỹ Thanh tái đắc cử chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
7 Chủ nhiệm các Ủy ban của QH tiếp tục bầu giữ các chức vụ như tại QH khóa XIV, gồm: ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.
2 Ủy viên Thường vụ QH còn lại là bà Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Ban Công tác Đại biểu khóa XIV) và ông Dương Thanh Bình (Trưởng Ban Dân nguyện khóa XIV) đã được Ủy ban Thường vụ QH phân công tiếp tục giữ chức vụ hiện tại ở QH khóa XV.
Bình luận (0)