Chỉ 4 tháng trước, vùng "rốn lũ" thị xã Ba Đồn còn chìm trong biển nước. Lũ dữ đi qua để lại cảnh làng quê xác xơ, hoang tàn, cuộc sống người dân trắng tay.
Trống trơn sau lũ
Sau trận lũ kép lịch sử hồi tháng 10 vừa qua, cả 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn lúc bấy giờ khắp nơi cùng một cảnh tiêu điều, ngổn ngang đổ nát. Trong lũ, nước từ thượng nguồn sông Gianh ồ ạt đổ về khiến cho bao nhiêu tài sản của người dân chìm sâu trong lũ.
Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, không một cái cây nào đứng thẳng, tất cả đồ đạc đều bị nước lũ nhấn chìm trong bùn đất nhão nhoẹt, nhiều người bị thương nặng, có người bị lũ cuốn trôi.
Một góc làng quê ở thị xã Ba Đồn "thay da đổi thịt"
Bà Trần Thị Mùi (70 tuổi, ở thôn Đông Bắc, xã Quảng Thủy) vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại trận lũ lịch sử khiến gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn bị ngập sâu hơn 3 mét. Mọi đồ đạc, tài sản bị cuốn theo dòng nước.
"Mưa to, gió lớn nên cả nhà chen chúc nhau trên con thuyền được neo vào cái cây trước sân. May mà còn giữ được tính mạng, còn tài sản gần như trôi hết, trắng tay rồi chú ạ. Mấy chục năm qua, tôi nếm trải nhiều trận lũ lớn nhỏ nhưng chưa bao giờ cảm thấy bất lực đến như vậy" - bà Mùi nói.
Bà con nông dân xã Quảng Thủy tích cực chăn nuôi, ổn định cuộc sống sau lũ đi qua
Ông Nguyễn Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn - cho biết trận lũ lịch sử đã khiến gần 26.000 ngôi nhà trên địa bàn thị xã bị ngập sâu từ 0,5-4m; làm 3 người chết, 40 người bị thương; gây thiệt hại ước tính 245 tỉ đồng. Ngay sau khi nước lũ rút, Trung ương và các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc đã về với người dân vùng lũ, giúp bà con khắc phục khó khăn.
"Năm nào cũng vậy, hễ vào những tháng cuối năm không có mưa thì có lũ. Bà con sinh ra và lớn lên trong lũ nên quen dần với lũ. Gặp phải thiên tai thì không chỉ đồng bào khắp nơi giúp đỡ mà những người đang gánh chịu hậu quả cũng biết cách chia sẻ, động viên, đùm bọc nhau giúp nhau gượng dậy" - ông Tình nói.
Thế nhưng, cơn bĩ cực, khốn khó ấy cũng không thể đánh gục được ý chí, tinh thần lạc quan của người dân. Lũ đến rồi lũ đi, bão đến rồi bão tan, họ vẫn sống lạc quan với tình yêu quê hương và hiên ngang đi qua mọi mùa bão lũ.
Chẳng một ai nhìn cảnh ngổn ngang, đổ nát mà đành chịu thua, bỏ xứ ra đi mà vẫn tiếp tục ở lại bám đất, bám làng. Họ cùng đứng dậy, gạt nước mắt đau thương, cùng chung lưng đấu cật đối mặt với khó khăn gầy dựng lại cuộc sống.
Con đường phong quang, sạch sẽ
Gần 4 tháng khi trận lũ đi qua, dọc con đường tiến vào các xã Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Sơn, Quảng Minh... không con dấu hiệu của sự tan hoang, đổ nát. Đi khắp làng trên xóm dưới, mọi con đường đều được phong quang, sạch sẽ, nhiều đoạn đường đang được bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trên những triền đồi, bạt ngàn rừng cây xanh tốt. Ngoài đồng ruộng, rộn ràng tiếng cười nói của bà con nông dân cần mẫn chuẩn bị cho vụ mùa mới. Tất cả đã đổi thay, sức sống đã trở lại trên vùng "rốn lũ" những ngày giáp Tết.
Cuộc sống thanh bình của người dân đã trở lại
Sau lũ, gia đình anh Trần Ngọc Tiền (SN 1977, ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn) được nhiều đoàn công tác của tỉnh, thị xã và các đoàn từ thiện đến thăm hỏi, động viên. Cơn lũ đi qua đã cuốn phăng đi tất cả nhà cửa và những gì anh Tiền chắt chiu được. Tưởng chừng sẽ không thể gượng dậy, nhưng đến nay cuộc sống gia đình anh đã gần như khôi phục lại hoàn toàn.
"Sau lũ, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, tôi vay thêm ngân hàng xây lại được ngôi nhà cho chắc chắn. Trong thôn này hầu như nhà nào cũng dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa. Bây giờ gia đình tôi đã có căn nhà mới cao hơn, làm bằng sắt lợp mái tôn rất chắc chắn. Gia đình cũng được cho gạo, cho thêm con bò để nuôi, giảm bớt phần nào khó khăn hơn" - anh Tiền tâm sự.
Các thợ xây sửa chữa lại nhà, để đón Tết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết trong cơn "đại hồng thủy", tỉnh đã thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Hiện tại, đời sống người dân đã ổn định và đang phục hồi sản xuất.
"Trong cơn hoạn nạn, bão lũ đã cướp đi toàn bộ tài sản, nhà cửa của người dân. Nhờ có sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước và những nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước đã giúp người dân trong tỉnh đứng dậy, tiếp tục cuộc sống và hồi sinh một cách khó tin" - ông Thắng tâm sự.
Theo ông Thắng, trước mắt, chính quyền sẽ thực hiện hỗ trợ cho người dân nguồn lương thực, giống cây, phân bón để tạo sinh kế ổn định cuộc sống. Nhưng về lâu dài, tỉnh sẽ sẽ nâng cấp hệ thống đường sá cao hơn, xây dựng nhiều công trình tránh lũ để đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại cho người dân.
Theo ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đến nay, không ai có thể thống kê hết được sự mất mát mà người dân vùng lũ Quảng Bình nói chung và thị xã Ba Đồn nói riêng phải gánh chịu, cũng như không thể kể hết được tình cảm, sự tương trợ của đồng bào cả nước. Trong đó, Báo Người Lao Động đã có mặt sớm nhất, phản ánh tình hình và có những hoạt động cứu trợ rất nhân văn, kịp thời.
Đặc biệt là về món quà 11 chiếc thuyền máy mà chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động trao tặng cho người dân thị xã Ba Đồn rất ý nghĩa và thiết thực.
Bình luận (0)