Những ngày cuối tháng 5, mưa nắng bất thường, thời tiết có nét tương đồng như lúc tàu cá BL 1047 TS của ngư dân Phan Văn Nam (khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) gặp nạn cách nay gần 6 năm. Từng chiếc tàu cá chở theo hàng chục ngư dân lại nối đuôi nhau rời cửa biển Nhà Mát (Bạc Liêu) hướng ra khơi.
Trở về từ cõi chết
Trong tâm trí của những ngư dân nơi này, dường như vẫn chưa nguôi ám ảnh về vụ tai nạn kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng 2 ngư dân, 8 người may mắn trở về từ cõi chết.
Những người sống sót trong vụ tai nạn năm ấy vẫn nhớ như in buổi chiều 16-12-2014. Hôm đó, đã qua mùa mưa bão, biển chỉ còn những cơn mưa giông trái mùa, chiếc tàu cá mang số hiệu BL 1047 TS của ngư dân Phan Văn Nam chở theo 10 ngư dân xuất phát từ cửa biển Nhà Mát ra khơi. Khi cách bờ chừng 20 hải lý thì tàu gặp giông lốc, gió giật cấp 8-9, sóng cao 7-8 m. Họ định quay vào bờ nhưng không kịp. Tàu bị sóng nhấn chìm trong tích tắc. "Cả 10 người chia nhau bám vào dây của 2 nắp thùng xốp, cứ thế, chúng tôi trôi tự do, mặc cho sóng vùi dập. Tôi và Nam liên tục động viên tinh thần anh em với hy vọng sẽ gặp tàu nào đó cứu giúp nhưng chẳng thấy bóng dáng tàu nào cả. Trong 3 ngày đêm trôi dạt, vừa lạnh vừa đói lại không có nước uống, chúng tôi buộc phải ăn trái mắm trôi, khi hết trái mắm thì bóc cả thùng xốp ăn cầm cự" - thuyền trưởng Phan Văn Xuyên (anh ruột ông Phan Văn Nam) nhớ lại.
Nhưng điều khiến ông Xuyên ám ảnh khôn nguôi chính là giây phút chứng kiến 2 trong số 10 người trôi dạt lần lượt trút hơi thở cuối cùng. "Qua ngày thứ 3, ngư dân Nguyễn Thanh Hận không chịu nổi đã buông tay, chúng tôi bất lực nhìn Hận bị sóng cuốn đi, rồi nghĩ đến vợ và 2 đứa con nhỏ của Hận ở nhà mà không cầm được nước mắt. Tôi kêu những người còn lại lấy dây buộc chặt vào nhau để có chết cũng không bị phân tán, hy vọng có tàu vớt được xác chúng tôi đưa về nhà. Đến chiều hôm đó thì Thạch Lọt (17 tuổi) kiệt sức và gục chết ngay bên cạnh chúng tôi. Tám người còn sống và 1 người chết cùng tiếp tục thả trôi. Trong lúc tuyệt vọng thì điều kỳ diệu đến. Một chiếc tàu cá của ngư dân tỉnh Bến Tre nhìn thấy và cứu sống chúng tôi. Nếu không có họ, chúng tôi đã chết hết vì không ai còn sức để cầm cự. Lúc đưa chúng tôi lên tàu, thuyền trưởng điện thoại về hỏi ý kiến chủ tàu nhưng chủ tàu không cho chở xác chết. Không còn cách nào khác, tôi nhờ người trên tàu buộc chặt xác Lọt vào tấm xốp rồi cắm lá cờ lên đó làm dấu để tàu cứu hộ dễ tìm thấy. Tuy nhiên, khi tàu cứu hộ ra tìm thì không còn thấy xác Lọt nữa" - ông Xuyên kể lại giây phút trở về từ cõi chết.
Sáu năm sau vụ chìm tàu, ngư dân xóm chài Bờ Tây vẫn nhộn nhịp ra khơi
Bà Lâm Thị Cẩm Đào, vợ ngư dân Đỗ Tấn Dương, làm nghề vá lưới thuê
Thuyền trưởng Phan Văn Xuyên
Bám biển đến cùng
Điều tôi không thể tin được là những ngư dân may mắn sống sót trong vụ tai nạn năm ấy hiện vẫn tiếp tục gắn bó với biển khơi. Hôm tôi trở lại xóm chài duy nhất nơi cửa biển Nhà Mát, chỉ còn gặp thuyền trưởng Xuyên vừa vào bờ được 2 ngày, những người khác vẫn đang trên tàu cá lênh đênh ngoài khơi xa.
Cũng sau vụ chìm tàu ấy, xác con tàu cá của ông Nam nằm lại dưới lòng biển. Không có tiền đóng tàu mới nên ông Nam phải đi làm thuê cho tàu khác để kiếm sống. Cho đến bây giờ, nhiều người ở xóm Bờ Tây vẫn thắc mắc vì sao ông Nam vẫn chọn theo nghề đi biển sau khi trải qua tai nạn ám ảnh ấy.
Vừa dỗ đứa cháu ngoại mới vài tháng tuổi đang quấy khóc, bà Trương Diễm Trang, vợ thuyền trưởng Xuyên, vừa nói vọng vào như trách: "Hơn 50 tuổi rồi chứ có còn trẻ đâu, suýt nữa thì ông đâu có nhìn mặt được đứa cháu này. Tôi không biết ông mê cái gì ngoài biển mà vừa khỏe lại là đòi lên tàu ra khơi. Hôm được cứu sống, từ bệnh viện về nhà, ông còn hứa với mẹ con tôi là cả đời này ông không dám bước xuống tàu lần nào nữa mà".
Thuyền trưởng Xuyên như thấy mình có lỗi nên cứ lẳng lặng ngồi nghe. Ông nói với tôi rằng thật ra ông ở nhà đi làm phụ hồ nhẹ nhàng và an toàn hơn nhiều, thu nhập cũng không ít hơn đi lái tàu bao nhiêu. Ông Xuyên trải lòng: "Khi đối mặt và cảm nhận rõ được cái chết đang sắp đến nó kinh hoàng lắm nhưng không hiểu vì sao tôi vẫn muốn đi lái tàu. Sau lần thoát nạn, tôi rất sợ và cũng đã từng thử ở nhà đi làm mướn 2 năm nhưng rồi không làm được gì, phải trở lại với nghề cũ, mặc cho vợ con ngăn cản. Đã dấn thân vào nghề này thì chúng tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa. Trước sau gì cũng chết, trên bờ hay ngoài biển cũng như nhau thôi, từ cõi chết trở về thì còn điều gì đáng sợ hơn với chúng tôi nữa".
Có lẽ, chỉ những ngư dân dành cả đời mình cho biển mới hiểu được vì sao họ cứ phải dấn thân vào cái nghề vốn đầy rẫy gian nan và bất trắc. Đó không hẳn là kế sinh nhai duy nhất, mà là nghiệp đã trót mang.
Mong mỗi chuyến biển chở niềm vui trở về
Ở cạnh nhà ông Nam, chị Lâm Thị Cẩm Đào, vợ ngư dân Đỗ Tấn Dương - một trong những người sống sót trong chuyến biển hãi hùng năm ấy, vừa vá lưới thuê vừa bồn chồn khi nghĩ đến người chồng vẫn còn lênh đênh trên biển. "Anh ấy nói không sợ nhưng nhiều đêm đang ngủ tôi thấy anh giật mình thảng thốt, quơ tay kêu cứu. Tôi biết anh ấy vẫn còn ám ảnh nhưng ảnh đã theo nghiệp biển thì khó mà dứt ra. Nghĩ tới cảnh ngồi nhà ôm con nhỏ thức đêm trông tin chồng, không biết sống chết ra sao, tôi cũng sợ lắm. Nhưng vì cuộc mưu sinh, tôi chỉ biết cầu nguyện cho sóng yên biển lặng, mong mỗi chuyến biển chở niềm vui trở về" - chị Đào bộc bạch.
Bình luận (0)