xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trọn đời bám biển: Tay trắng làm nên cơ nghiệp

Bài và ảnh: Đức Anh

Từ một người trắng tay, nhờ chí thú làm ăn, ông Nguyễn Văn Ái sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ "khủng", giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương

Nhìn cơ ngơi hiện nay của ông Nguyễn Văn Ái (70 tuổi; ngụ thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), ít ai nghĩ rằng cách đây vài chục năm, gia đình ông từng rơi vào cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất.

Thương vợ phải bán cả ghe

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề biển, năm lên 19 tuổi, ông Ái theo cha lái ghe đánh bắt cá. Vì chiếc ghe quá nhỏ, chỉ có công suất 12 CV nên chỉ đánh bắt trong lộng, mỗi ngày kiếm vài mẻ lưới cá cơm, cá nục, đủ cho cả nhà ông sống qua ngày.

Năm 1972, ông Ái lập gia đình cùng với bà Nguyễn Thị Lằm (quê ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Thời điểm đó, cuộc sống gia đình ông Ái tuy không sung túc nhưng rất bình yên, hạnh phúc. Tai họa ập đến khi vợ ông Ái sinh người con thứ 3. Biến chứng sau sinh khiến bà Lằm bị liệt toàn thân, phải nằm một chỗ.

Để có tiền lo thuốc men cho vợ, ông Ái bấm bụng từ bỏ giấc mơ bám biển, bán chiếc ghe là tài sản đáng giá nhất của gia đình. Tuy nhiên, với số tiền bán ghe chỉ được khoảng 70.000 đồng ở thời điểm đó không thấm vào đâu với căn bệnh hiểm nghèo của vợ. Rồi ông Ái dỡ hết mấy chục miếng tôn đang lợp nhà bán nốt. Kể từ đó, gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn, màn trời chiếu đất.

"Nhìn cả gia đình sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trong ngôi nhà của mình, tôi đã khóc. Nhưng chỉ dám khóc lén vợ, chứ để bả thấy bả tủi thân thì tội. Còn thằng con mới sinh đã mất ngay sữa mẹ, khóc suốt ngày. Để cắt cơn khóc của con, tôi phải lấy nước dừa cho bú. Bú nước dừa miết nó ớn, cứ ngậm núm vú chứ không chịu nút nữa. Thương cháu, bà nội phải ẵm nó đi từ làng trên xuống làng dưới để kiếm người mới sinh xin cho bú nhờ" - ông Ái bùi ngùi nhớ lại.

Tài sản gia đình đã bán hết sạch nhưng bệnh tình của vợ vẫn không thuyên giảm nên sau đó, ông Ái đưa bà Lằm về Cam Ranh, nhờ gia đình phía vợ chạy chữa. Không có tiền thuê xe, ông phải nhờ người thân khiêng bà Lằm lên ga huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), rồi từ đó đi bộ theo đường ray về Cam Ranh.

"Cả nhóm thay phiên nhau khiêng, đi cả ngày lẫn đêm. Có đoạn đến bờ ta-luy hẹp mà tàu lửa đang hụ còi chạy tới, chúng tôi dạt xuống ruộng để tránh bị tàu tông. Tàu đi qua, cả nhóm lại khiêng vợ tôi lên đi tiếp. Phải mất 3 ngày 3 đêm, tôi mới đưa được vợ về đến Cam Ranh" - ông Ái kể.

Sau một năm rưỡi chữa chạy, cuối cùng bệnh tình của vợ ông Ái cũng thuyên giảm. Lúc ấy, bố mẹ vợ ông Ái động viên ông trở lại với biển bằng cách cho tiền đóng chiếc ghe mới, dù cũng chỉ nhỏ như ghe cũ 12 CV.

Trọn đời bám biển: Tay trắng làm nên cơ nghiệp - Ảnh 1.

Ngư dân Bình Định tuân thủ tốt quy định, đánh bắt khơi xa hiệu quả

Trọn đời bám biển: Tay trắng làm nên cơ nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Ái

Tiếp nối giấc mơ bám biển

Được trở lại với biển, ông Nguyễn Văn Ái như con cá về giữa đại dương mênh mông. Từ đó, ông cặm cụi làm ăn, dành dụm. Đến năm 1985, khi có được ít tiền, ông bán ghe cũ, đóng chiếc ghe mới lớn hơn, công suất 30 CV. Với chiếc ghe mới này, ông Ái đổi sang làm nghề lưới rút gần bờ.

Ra khơi gặp nhiều luồng cá nhưng do ghe nhỏ nên ông Ái tiếc hùi hụi. Đến năm 1997, khi có cơ hội, ông Ái vay ngân hàng số tiền tương đương 5 cây vàng để đóng chiếc ghe lớn gấp đôi, công suất 60 CV. Sau khi hạ thủy, ông Ái đưa ghe vào ngư trường đánh bắt vào vùng biển Đại Lãnh, Cam Ranh.

Làm chủ chiếc ghe 60 CV trong 2 năm, chuyến biển nào cũng đánh không hết những luồng cá gặp được, ông Ái vô cùng tiếc nuối. Lúc này, những người con trai đã trưởng thành, ông Ái quyết định dành dụm khoản thu nhập từ mỗi chuyến biển để sắm những chiếc tàu lớn.

Hai năm sau, vay thêm bà con họ hàng, ông Ái mua lại một chiếc tàu công suất 90 CV tại Đầm Môn - Vạn Giã (tỉnh Khánh Hòa), dạng tàu "khủng" thời bấy giờ với giá 48 cây vàng. Có tàu lớn trong tay, ông Ái lập tức vươn khơi, mở rộng ngư trường ra tận đảo Côn Sơn. Những nỗ lực của ông Ái được biển cả đền đáp, chuyến biển nào cập bờ tàu cũng khẳm be, đầy lút cá.

Làm ăn ngon trớn, chỉ 1 năm, sau khi trả vốn vay mua chiếc tàu trước, ông Ái còn dư ra khoản tiền lớn để đóng thêm chiếc tàu thứ 3 mà không cần phải vay mượn nữa. Tiền lớn đóng được tàu lớn, chiếc tàu này có công suất đến 270 CV với 3 hầm đá. Lần này ông quyết định vươn ra biển Đông, vùng biển vô cùng "giàu có" với nghề lưới vây rút chì.

Ba chiếc tàu của ông Ái thường xuyên ra khơi, mỗi năm mỗi chiếc đi được hơn 20 chuyến biển. Chuyến nào cũng cho thu nhập cao nên vào năm 2010, ông Ái bán chiếc tàu có công suất nhỏ nhất để đóng chiếc tàu 900 CV, tốc độ tối đa 11,5 hải lý/giờ. Chiếc tàu này có đến 10 hầm đá với sức chứa vài chục tấn cá, cho phép bám biển hàng tháng trời với tổng vốn đầu tư là 4,8 tỉ đồng.

Cứ thế, đến nay, gia đình ông Ái sở hữu 8 tàu cá đánh bắt xa bờ thuộc dạng "khủng" với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 113 lao động với lương tháng từ 10 - 15 triệu đồng/người.

Bây giờ cả 6 người con trai của vợ chồng ông Ái đều có bằng thuyền trưởng, máy trưởng và tất cả đều trực tiếp lèo lái đội tàu cá của gia đình.

Trải qua biết bao thăng trầm trên biển, ông Nguyễn Văn Ái rút ra nguyên tắc đạo của nghề biển là tương thân tương ái. "Trong bờ giúp nhau một, ngoài biển phải giúp nhau mười. Tàu đã ra khơi thì thuyền viên phải đoàn kết, chân tình thương yêu nhau như anh em. Để thuyền viên gắn bó bền lâu, trước hết tôi xem họ như con cháu ruột thịt trong nhà" - ông nói. 

Phải đánh bắt đúng ngư trường

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 6.200 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có 3.038 chiếc hoạt động vùng khơi. Đội tàu của ông Nguyễn Văn Ái nằm trong số này. Bản thân ông Ái được đánh giá là điển hình sản xuất giỏi, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế biển của địa phương, cũng như tích cực trong tuyên truyền ngư dân chấp hành quy định của pháp luật, nhất là quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Liên quan đến IUU, đến nay tỉnh Bình Định đã thành lập 4 tổ công tác phối hợp, gồm 2 tổ trên bờ và 2 tổ trên biển. Từ đầu tháng 5 đến nay, các tổ công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tổng cộng 901 lượt phương tiện tàu cá ra vào cửa biển và cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi. Theo đánh giá của các tổ công tác, đến nay các tàu cá được kiểm tra, kiểm soát đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, bao gồm các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá, đánh dấu tàu cá. Các tàu cá thuộc diện phải có thiết bị giám sát hành trình đều đã được lắp đặt theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Ái kêu gọi: "Việc thực hiện các quy định của nhà nước, chính sách của pháp luật sẽ giúp ngư dân ổn định kế sinh nhai lâu dài. Phải đánh bắt đúng ngư trường, không xâm phạm nước bạn thì mới tồn tại được với nghề".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo