Cây trồng thủy sinh là các loài cây sống dưới nước (nước mặn hay ngọt), có khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường trong môi trường này trong một khoảng thời gian dài. Chúng có thể sống hoàn toàn trong nước (các loài tảo biển) hoặc một phần trong nước hoặc trong môi trường ẩm ướt như bùn. Một số khác thích ứng với môi trường ngập nước với phần lá nổi lên trên.
Làm đẹp không gian sống
Các loài thủy sinh có rất nhiều tác dụng như loại bỏ các chất thải của sinh vật trong nước, thức ăn thừa, vật liệu phân hủy cho bể, hồ; đồng thời giúp bổ sung khoảng trống ở bề mặt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển; vừa cung cấp đủ lượng ôxy vừa hấp thu lượng carbon dioxide (CO2) mà sinh vật thải ra.
Nó được sử dụng giống như là bộ lọc sinh học an toàn mà hiệu quả cho bể cá cảnh, tạo điều kiện cho đàn cá hoặc tôm tép, ốc, cua sống trong đó có nơi trú ngụ, ẩn nấp tránh tình trạng tranh giành lãnh thổ (một số loài cá có thể tận dụng nơi đó để sinh sản mà không sợ trứng bị loài khác ăn mất); làm nên cảnh quan sinh động hơn cho hồ cá, bể cá.
Cây trồng thủy sinh còn là những cây cảnh phong thủy để bàn được trồng biến tấu bằng phương pháp thủy sinh. Trong số đó, chúng ta có thể kể đến cây hồng môn, cây phú quý, cây kim ngân, cây phát tài, cây trầu bà, cây lan ý... Những cây này ngoài để trang trí và mang ý nghĩa phong thủy còn có thể lọc không khí, chất độc hay chống bức xạ rất tốt. Người ta trồng chúng trong chậu nước nhỏ để tiết kiệm không gian, diện tích và đặt linh hoạt được ở nhiều nơi.
Chúng ta vẫn thường được biết về các loại thực vật thủy sinh quen thuộc: cây trân châu Nhật, trân châu Cuba, cỏ ngưu mao chiên, cỏ thìa, súng thủy sinh, thủy cúc, rong đuôi chó, hẹ thẳng, rêu java, rau má hương...; thời gian gần đây đang nổi lên những dòng thủy sinh có giá trị cao, được nhiều người săn lùng, như cây bucep bóng ma, dương xỉ... và một vài loài ráy lá tròn mini, có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho 1 bụi hay 1 nhánh nhỏ.
Mô hình trồng và nhân giống cây thủy sinh hiện nay được nhiều người chú ý với nhiều mục đích vừa chơi vừa phát triển làm đa dạng, phong phú nguồn cây thủy sinh, tự tạo nguồn cây giống có thể chia sẻ cho nhiều người chơi mà không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (đối với một số dòng không có trong nước); vừa thỏa mãn thú vui tao nhã, làm đẹp cho không gian sống vừa làm giàu bằng sở thích của mình...
Đam mê với cây thủy sinh, nghệ nhân Trần Hùng (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng gắn bó với những loại cây này từ khá lâu. Nhận thấy nhiều bạn bè, người quen của mình cũng mong muốn được tiếp cận và sở hữu những dòng thủy sinh đẹp mắt, độc lạ, nên anh nảy ra ý tưởng phát triển các dòng thủy sinh này. Từ ban đầu chỉ có vài dòng cây phổ biến, đến bây giờ anh Hùng có hàng chục dòng cây có giá trị; phong phú và đa dạng cả về kiểu dáng lẫn số lượng.
Mô hình trồng cây thủy sinh của anh Trần Hùng trên diện tích chỉ có vài chục mét vuông nhưng có hàng chục dòng cây thủy sinh đẹp mắt: rau má, vảy ốc, trân châu, dưa hấu, dương xỉ tiêu thảo, bucep, ngưu mao chiên, thanh hồ điệp, tân đế tài hồng, hồng liễu, thủy cúc, ráy, diệp tài hồng lá kim, huyết tâm lan, hồng thái dương...
Một số loài cây thủy sinh và mô hình trồng cây thủy sinhẢnh: Vương Bùi
Triển vọng của mô hình trồng thủy sinh
Việc đầu tư cho mô hình trồng và phát triển các dòng thủy sinh không cần nguồn vốn lớn; quan trọng là bạn có đủ kinh nghiệm trồng thực vật thủy sinh với các dòng phong phú khác nhau, cũng như có niềm đam mê mãnh liệt với nó. Để làm quen với mô hình này, bạn nên ưu tiên trồng một số dòng cây phổ biến dễ trồng, giúp bạn thử sức dần với chúng. Đối với những dòng cây đắt đỏ, cần được đầu tư hơn về nguồn lực kinh tế, về kinh nghiệm nuôi trồng.
Theo anh Hùng, khi trồng những loài cây này dạng bán cạn, phải lưu ý đến phân bón và độ ẩm thích hợp vì nếu thiếu dinh dưỡng cây sẽ chậm hoặc không phát triển, thừa hoặc thiếu độ ẩm thì đất sẽ úng hoặc khô. Còn đối với những cây thủy sinh trong hồ; ngoài nhiệt độ của nước, dinh dưỡng, CO2, còn phải chú ý đến ánh sáng, giá thể trồng.
"Việc nhân các dòng cây thủy sinh cũng đòi hỏi qua nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ lẫn kinh nghiệm của người trồng; thường thì công đoạn này sẽ nhân giống ở dạng bán cạn để cây phát triển nhanh hơn, cho hệ số nhân giống cao hơn" - anh Hùng đúc kết kinh nghiệm.
Với giá bán cây thủy sinh như hiện nay, người chơi có thể sở hữu những dòng cây có giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/cây; thậm chí những dòng giá đắt đỏ là vài triệu đồng. Vì độ đẹp, phong phú, đa dạng, bắt mắt cũng như mang nhiều ý nghĩa về phong thủy; tác dụng thư giãn của cây thủy sinh nên càng nhiều người chơi tìm đến thú vui tao nhã và đầy nghệ thuật này. Một khi đam mê, người chơi cũng không tiếc tiền, có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu cho mình một nhánh cây, bụi cây nhỏ. Đây cũng là yếu tố khiến mô hình này có thể phát triển thành công nhanh chóng.
Hình thành những cộng đồng chơi thủy sinh
Những người đam mê cây thủy sinh đã tạo nên những cộng đồng chơi thủy sinh rộng lớn. Có ít nhất 2 câu lạc bộ thủy sinh lớn đang sinh hoạt ở TP HCM với số lượng thành viên ngày càng tăng.
Đối với những người muốn kinh doanh cây thủy sinh, đây là cơ hội tốt để đầu tư và mở rộng thị trường. Theo anh Trần Hùng, chỉ từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng vốn là có thể sở hữu một khuôn viên các dòng cây thủy sinh mới lạ; từ đó tự nhân lên đa dạng cả về chủng loại lẫn số lượng. Với mô hình hiện có của mình, trung bình mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, anh Hùng có thể thu lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng. Đây là mức thu tuy không hẳn cao nhưng khá ổn định.
Bình luận (0)