Chỉ tay vào công trình đang xây dựng, ông Nguyễn Văn Trung (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ nỗi mừng vui vì cuối cùng mong muốn dựng nhà riêng cho con được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Trung trên nền căn nhà đang xây mới
Cuộc sống từng chật vật
14 năm qua, vợ chồng ông và 2 người con phải sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ, mùa nắng thì bức bối, mùa mưa thì dột khắp nơi. Sau thông báo của UBND xã Vĩnh Hải về việc hủy thông báo thu hồi đất thuộc dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, ông Trung lập tức gom tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để xây nhà.
"Trước đây rất bí bách, muốn xây hay sửa sang chỗ ở đều không được do vướng quy hoạch treo, không làm gì được hết. Được tin dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, chính quyền hủy việc thu hồi đất nên tôi rất mừng, từ đây thoát được cảnh phải sống tạm bợ" - ông Trung xúc động nói.
Không riêng ông Trung mà hơn 800 hộ dân với 2.800 nhân khẩu của thôn Thái An đều vui mừng.
Họ kể năm 2009, khi có chủ trương triển khai dự án thì bắt đầu gặp khó khăn cả về cuộc sống lẫn sản xuất bởi hàng trăm hécta đất ven biển bị yêu cầu giữ nguyên hiện trạng.
Nay "thoát treo", ai nấy đều tranh thủ đến trụ sở UBND xã Vĩnh Hải kê khai đất đai làm căn cứ xin cấp lại quyền sử dụng đất.
Có hơn 12.000 m² đất canh tác nông nghiệp tại thôn Thái An, ông Nguyễn Trung Kỳ (65 tuổi) cùng con mang theo giấy tờ đến xã.
"Hơn chục năm qua, do đất đai không được tác động nên muốn cho con mỗi đứa một ít cũng chịu, xây nhà thì bị cấm. Giờ tôi đến để kê khai lại diện tích đất, cập nhật lại bản đồ địa chính rồi tách thửa cho con để các con có điều kiện ổn định cuộc sống" - ông Kỳ cho biết.
Ông Nguyễn Trung Kỳ cùng con đến kê khai đất đai tại UBND xã Vĩnh Hải
Nhiều người phải bỏ xứ
Tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, cuộc sống của những người dân trong vùng quy hoạch dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đến nay bớt ngột ngạt.
Ngồi nhìn đầm tôm đang phủ bạt, làm đáy chuẩn bị vụ nuôi mới, ông Nguyễn Văn Luận (54 tuổi) nhắc chuyện hủy bỏ thu hồi đất với nụ cười tươi. Đầm tôm hơn 8.000 m² nuôi sống gia đình 6 khẩu, thế nhưng do đất canh tác vướng quy hoạch nên ông chỉ nuôi tôm cầm chừng.
"Đất mình chưa được đo đạc, cấp sổ nên làm gì cũng khó. Muốn vay vốn ngân hàng để có kinh phí phủ kín đầm tôm cũng không được. Nay có thông báo hủy thu hồi đất, tôi sẽ sớm liên hệ để được cấp sổ, cấp vốn sản xuất" - ông Luận nói.
Toàn thôn Vĩnh Trường có 254 hộ với khoảng 100 hộ chưa có đất ở, phải ở nhờ từ thời điểm quy hoạch dự án đến nay. Đời sống người dân phần lớn dựa vào đánh bắt hải sản, nuôi trồng ven bờ. Người dân cho biết nguồn lợi hải sản nơi đây đã suy giảm đáng kể từ thời điểm hoạt động đóng cọc, khoan dò, nổ mìn để phục vụ khảo sát địa chất triển khai dự án. Vì làm ăn khó khăn, rất nhiều người phải bỏ đi nơi khác sinh sống.
Chờ đón cuộc sống mới
Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Thông báo số 74 về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết với việc hủy các thông báo thì người dân có đất trong vùng dự án có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai. Về hồ sơ, sẽ tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Phan Tấn Cảnh, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Công Thương và các bộ ngành Trung ương xem xét giải quyết để bảo đảm quyền lợi của người dân trong khu vực đã quy hoạch nhà máy điện hạt nhân.
Đồng thời, tại Nghị quyết 93/2023, Quốc hội giao UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn tất thủ tục của dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh và xã Vĩnh Hải với số vốn hơn 270 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về phương án xử lý quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đủ các điều kiện pháp lý theo quy định, UBND tỉnh sẽ phê duyệt đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với vị trí xây dựng dự án cũng như triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mặt bằng và hỗ trợ giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, cấp thiết của nhân dân" - ông Cảnh nói.
Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2009.
Theo đó, xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại huyện Thuận Nam và Ninh Thuận 2 tại huyện Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỉ đồng. Tháng 11-2016, Quốc hội quyết định dừng dự án này.
Bình luận (0)