TS Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT như kiểu trấn lột"-Ảnh: Văn Duẩn
Đây là phát biểu của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức sáng 8-9 tại Hà Nội.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng BOT (hợp đồng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đang có nhiều điều không ổn, và nếu không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra.
Về hợp đồng BOT, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng tất cả các cổ đông liên quan đều phải được có ý kiến, không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến. "Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ Giao thông Vận tải đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi…"- TS Nguyễn Sỹ Dũng bày tỏ.
Cổ đông thứ hai, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phải được có ý kiến, đó là người dân. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó?
Thứ ba là những nhà làm kinh tế vận tải, đó là người chi tiền, khách hàng. Không thể có chuyện khách hàng không được có ý kiến. "Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Rõ ràng trong hợp đồng của BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi"- TS Dũng nói.
Về giải pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, cho rằng không thể không xử lý, không thể nhắm mắt. "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được"- ông Dũng quả quyết.
TS Nguyễn Sỹ Dũng nói về BOT
Thứ hai là không thể "cân điêu" cho người dân được. Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí. "Mỗi lần người ta đi qua, anh thu tiền của người ta, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó"- ông Dũng nói.
Thứ ba phải có rõ ràng, minh bạch. "Đường mà tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó"- ông Dũng bày tỏ.
Tiếp theo, TS Dũng cho rằng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. "Bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ"-nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Bình luận (0)