Đây là tín hiệu vui, bởi theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Thế nhưng, thực tế hiện tại cây lúa cũng chỉ giúp ĐBSCL ổn định chứ khó có thể giúp nông dân giàu lên khi có tới 50% hộ nông dân có diện tích dưới 0,5 ha. Vì vậy, cần phải nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt để ĐBSCL phát triển.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), khẳng định nếu tổ chức lại sản xuất tốt, đưa khoa học kỹ thuật vào chế biến sâu phụ phẩm và phế phẩm lúa gạo thì hoàn toàn có thể giúp người trồng lúa tăng thu nhập gấp 3 lần.
Ông Thòn lý giải trong khâu chế biến, gần như các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ bán gạo, chưa bán cám, tấm, vỏ trấu (phụ phẩm và phế phẩm) ra nước ngoài. Trong khi đó, những phụ phẩm và phế phẩm này hoàn toàn có thể chế biến sâu, thành chính phẩm và bán có giá trị cao.
"Tôi tin rằng khoa học kỹ thuật của nước ta sớm hay muộn cũng làm được công việc trên, tức chế biến sâu sản phẩm thứ cấp sau gạo thành chính phẩm và bán có giá trị cao. Tập đoàn Lộc Trời đang làm vấn đề này, có thể giúp tăng thêm thu nhập một lần nữa cho người trồng lúa" - ông Huỳnh Văn Thòn tin tưởng.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phát động phong trào xây dựng "cánh đồng mẫu lớn", công ty ông đã xung phong làm 428 ha chỉ một giống OM 4218.
Đến năm 2012, công ty đã bán ra nước ngoài 2.000 tấn gạo 5% tấm (chỉ một loại giống OM 4218) với giá 570 USD/tấn, cao hơn gạo một số nước khoảng 8 USD/tấn.
"Chúng ta muốn giảm diện tích lúa nhưng giảm rồi nông dân sẽ làm gì, trong khi thổ nhưỡng như vậy chỉ trồng cây lúa được mà thôi. Tại sao không tìm mô hình nào giảm số lượng để nâng chất lượng lên. Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì giờ chúng ta liên kết lại làm mô hình cánh đồng lớn. Nếu điểm qua từ khi bộ triển khai cánh đồng lớn cho đến nay thì số doanh nghiệp thành công liên kết với nông dân rất ít, cuối cùng mô hình này không nhân rộng ra được, điểm nghẽn ở đâu?" - ông Bình đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, song được linh hoạt chuyển đổi mà không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa.
Đặc biệt, lần đầu tiên nghị quyết đề cập cụm từ "an ninh lương thực - thực phẩm". "Độ mở đã mở ra, vấn đề là chúng ta làm như thế nào. Cần bỏ tư duy sản lượng nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác. Chứ chạy theo sản lượng, đánh đổi thế này sẽ tạo ra liên lụy mà chưa lường trước được hết" - tư lệnh ngành NN-PTNT nêu quan điểm.
Bình luận (0)