NHỮNG DẤU MỐC CAM GO VÀ ĐỘT PHÁ
Giai đoạn 1975-1985, từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1975-1980), lúc này yêu cầu cấp thiết được đặt ra là sửa chữa thay thế và trang bị lại những cơ sở sản xuất hiện có để phát triển sản xuất hướng vào các cơ sở phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu. TP Hồ Chí Minh bắt tay vào xây dựng đất nước trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhân dân thành phố phải ăn độn bo bo, bột mì và khoai, sắn. Công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu. Thành phố đã phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu dân. Rồi đến khủng hoảng trong những năm 1979-1980, kéo theo hệ lụy của sự mất lòng tin trong nhân dân.
Do vậy, đây là giai đoạn khôi phục kinh tế và hạn chế sự lũng đoạn của thị trường, với phong trào kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động và viên chức nhà nước phải tự cứu lấy mình với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để sớm thoát khỏi cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra những biện pháp thích hợp để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Bước vào kế hoạch 5 năm 1981-1985, với nhiệm vụ chính:
Một là, tập trung vào đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển của thành phố trong 10 năm đầu sau ngày giải phóng.
Hai là, giải tỏa nhà lụp xụp, rách nát trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm nặng; đồng thời đánh dấu việc thành lập hàng loạt công ty phát triển nhà ở các quận, tách hẳn việc kinh doanh nhà ra khỏi quản lý nhà nước giai đoạn 1984-1985 để giải quyết nhà ở trên và ven kênh rạch và nhà ổ chuột. Lúc này, lĩnh vực công nghiệp tập trung xây dựng các công nghiệp mũi nhọn xuất khẩu và quan tâm xây dựng những công trình lớn của trung ương như thủy điện Trị An, công trình khai thác dầu khí (liên doanh với Liên Xô), hồ Dầu Tiếng trong vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, tuy không nằm trên địa bàn thành phố nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1985, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và cả nước không ổn định do mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã lỗi thời, không còn phù hợp với nền sản xuất hàng hóa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chuyển sang giai đoạn năm 1986-1990, thành phố bước vào thời kỳ "Đổi mới" từ "nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp" sang "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Cả nước thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Trong đó TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các khu chế xuất tập trung như: Khu Chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên tại nước ta (nay đã trở thành khu chế xuất hàng đầu châu Á), Khu Chế xuất Linh Trung - Thủ Đức (nay đã mở rộng Khu Chế xuất Linh Trung II). Thành lập ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của cả nước: Sài Gòn Công Thương Ngân hàng (16-10-1987), Eximbank 1989, Ngân hàng Phát triển Nhà 1990…, từ đó góp phần ra đời loại hình ngân hàng thương mại cổ phần ngày nay trên cả nước, thông qua Pháp lệnh Ngân hàng (23-5-1990)…
Giai đoạn từ năm 1991-1995, thành phố cùng cả nước bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2010 với dân số 5 triệu dân, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/TTg ngày 10-11-1993, đã mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển của thành phố. Thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu tiên năm 1992 - Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), sau đó trở thành chương trình chung của cả nước.
Giai đoạn từ 1995-2002, thành phố có những bước đi đầu tiên trên con đường "công nghiệp hóa - hiện đại hóa" hướng đến thành phố hiện đại, thành phố cạnh tranh. Đô thị hóa là hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đô thị hóa là điều cần thiết để thúc đẩy các mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhiều khu công nghiệp tiếp tục được triển khai như: Lê Minh Xuân, Tân Tạo - Bình Chánh, Tân Thới Hiệp - Hóc Môn, Bình Chiểu - Tam Bình - Thủ Đức, Tây Bắc - Củ Chi, Công nghệ cao - quận 9, Hiệp Phước - Nhà Bè, Cát Lái - quận 2 (quận 9 và quận 2 nay đã nhập vào TP Thủ Đức).
Giai đoạn 2002-2016 được xem là thời kỳ phát triển trung tâm công nghiệp - dịch vụ. Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định: "TP Hồ Chí Minh cần xây dựng thành một thành phố văn minh hiện đại phát huy vai trò thành phố với cả nước, với khu vực và từng bước trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ của khu vực Đông Nam Á".
Ngày 19-9-1985, Bí thư Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo (bìa trái ảnh - sau này là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP) cùng các kỹ sư nông nghiệp kiểm tra bệnh rầy nâu trên lúa ở ngoại ô thành phố Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
NHIỀU THÀNH TỰU LỚN
Như vậy, có thể khẳng định sau 45 năm, TP Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác - đã không ngừng vươn lên, chuyển đổi khá toàn diện nền kinh tế từ mô hình tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ghi nhận những thành tựu qua 35 năm đổi mới, bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng, đánh dấu bước đột phá tư duy ngoạn mục chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế thành phố nói riêng theo kịp thời đại, tạo môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đưa vào nền kinh tế. Nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng khu vực dịch vụ, từng bước giảm dần tỉ trọng khu vực công nghiệp và nông nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với ý chí quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt của UBND thành phố, đã có những chương trình, công trình trọng điểm được chuyển hóa thành chương trình hành động cụ thể trong suốt các nhiệm kỳ đại hội Đảng, trong đó phải kể đến công trình Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao với mục tiêu trở thành một trong những nền tảng phát triển kinh tế tri thức của thành phố; công trình xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng thành phố thành đô thị thông minh; chương trình chuyển đổi số; tổ chức chính quyền đô thị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong đó có thành lập TP Thủ Đức với chức năng là khu đô thị sáng tạo tương tác cao với mô hình đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đây là một cực tăng trưởng mới, tạo động lực cho TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế trong thời gian tới.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hiệu quả cao nhất cả nước, với năng suất lao động cao gấp 2,6 lần bình quân cả nước; là trung tâm kinh tế thu hút vốn đầu tư tư nhân (kể cả đầu tư nước ngoài) hiệu quả nhất cả nước, 1 đồng đầu tư từ ngân sách thu hút 10-12 đồng đầu tư tư nhân; là trung tâm kinh tế có hệ số khuếch đại chi ngân sách cao nhất cả nước, thành phố chi ngân sách 1 đồng thì thu ngân sách thành phố được 5,13 đồng; là trung tâm kinh tế thu hút lao động mới cao nhất cả nước, bình quân giai đoạn 2010-2020 mỗi năm thành phố thu hút thêm 120.000 lao động. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sở hữu gần 50% doanh nghiệp của cả nước, đây là nguồn lực dồi dào cho phát triển kinh tế.
Kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển đặt ra qua các kỳ đại hội sau khi được nhìn nhận, đánh giá mặt tồn tại, yếu kém, do vậy thành phố đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. TP Hồ Chí Minh có tiềm lực kinh tế mạnh so với các địa phương khác trong cả nước, đóng góp khoảng 22% quy mô kinh tế của cả nước.
Với vị trí địa - kinh tế thuận lợi như thế nên hàng chục năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là trung tâm giao dịch thương mại trong nước và quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp lớn trên cả nước đều có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại đây và thành phố có trên 2.200 văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đang hoạt động.
Khu Công nghệ cao (tọa lạc tại TP Thủ Đức) là một hình mẫu thành công của TP Hồ Chí Minh Ảnh: Đông Giang
NHIỀU MÔ HÌNH MỚI, CÁCH LÀM HAY
Cùng với đó, qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành hàng trăm công trình phục vụ dân sinh lớn nhỏ, nhiều công trình mang tính biểu tượng đã hình thành, khẳng định tầm vóc của thành phố như công trình hầm vượt sông Sài Gòn; đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm; tòa nhà Landmark 81; tòa tháp Bitexco đến các khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc, Hiệp Phước..., đã tạo nên diện mạo mới, hiện đại cho thành phố.
Cũng chặng đường 45 năm thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ấy, đã có những mô hình kinh tế tiêu biểu như: Đóng góp vào sự hình thành các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh (1989); Xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở (năm 1991); Xây dựng mô hình phát triển thị trường lao động (năm 1994); Thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo mô hình thực tiễn để tổ chức lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (năm 1992); Phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị (năm 1995); Thành lập Trung tâm Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, xây dựng thị trường vốn (năm 2000); Thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị; Thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đô thị; Nhượng quyền khai thác đường cho các thành phần kinh tế; Thành lập các công ty cổ phần đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư vào dịch vụ hạ tầng kỹ thuật thành phố; Khuyến khích xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đổi mới thiết bị, công nghệ (năm 2000); Mô hình phát triển thị trường công nghệ thành phố với Công viên Phần mềm Quang Trung (năm 2000); Chính quyền địa phương tham gia vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, trong điều kiện nền kinh tế bất ổn vĩ mô; Cải cách nền hành chính công, phấn đấu xây dựng nền hành chính mang tính chất phục vụ.
"Đặc sản" Thành phố nghĩa tình
TP Hồ Chí Minh đã có nhiều phát kiến, sau đó được nhân rộng ra cả nước như phong trào đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa. Thành phố cũng như đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra còn có rất nhiều hoạt động, phong trào thiết thực hướng đến chăm lo các đối tượng chính sách, khó khăn..., góp phần tạo nên thương hiệu "Thành phố nghĩa tình" cho nơi đây. Điển hình như bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, thành phố đã có 2 gói hỗ trợ cho riêng người dân, người lao động, người nghèo, yếu thế của thành phố với tổng kinh phí lần lượt là 2.753 tỉ đồng (đợt 1, tháng 3-2020) và 886 tỉ đồng (đợt 2, tháng 6-2021). Bên cạnh đó, sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết chung lòng và niềm tin của người dân đã được thể hiện một cách trọn vẹn, chân thực nhất. Hình ảnh những phần cơm từ thiện, những cây ATM gạo - thực phẩm miễn phí mọc lên khắp nơi cho đến sự đóng góp có ý nghĩa của các em nhỏ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí chống dịch đều làm toát lên phẩm chất và giá trị nghĩa tình của thành phố chúng ta.
Bình luận (0)