Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa ký và gửi công văn trả lời kết quả xử lý phản ánh của Báo Người Lao Động liên quan lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ sai quy trình trong loạt bài điều tra "Xe quá tải ung dung vượt chốt".
Xử lý hàng loạt CSGT
Trong công văn gửi Báo Người Lao Ðộng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định với quan điểm xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che vi phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiên quyết, tập trung làm rõ, thu thập tài liệu và làm việc với tập thể, cá nhân có liên quan. Theo đó, qua xác minh, Công an tỉnh xác định cán bộ, chiến sĩ trong các tổ công tác thuộc Phòng CSGT và Công an thị xã Hương Thủy đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Điều lệnh Nội vụ Công an Nhân dân và quy định của ngành.
Căn cứ tính chất và mức độ sai phạm, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Cụ thể, hạ 2 bậc thi đua tháng (xếp loại yếu) đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong các tổ công tác; hạ bậc thi đua năm và không bố trí làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông đối với 4 người có vai trò chính trong tổ công tác. Trong đó, 1 người thuộc Đội CSGT Công an thị xã Hương Thủy, 3 người còn lại thuộc Đội Tuần tra kiểm soát số 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trước đó, vào ngày 11 và 12-3, Báo Người Lao Ðộng đăng tải loạt bài "Xe quá tải ung dung vượt chốt" phản ánh tình trạng xe tải tự đổ (xe ben) ở Thừa Thiên - Huế cơi nới thùng hàng, chở vật liệu rời vượt quá chiều cao thùng dẫn đến dấu hiệu chở quá tải, đi vào giờ cấm, lực lượng CSGT có dấu hiệu bị "qua mặt". Tình trạng trên được phóng viên ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Dạ Lê, Nam Cao, cầu vượt Thủy Dương - Thuận An... thuộc địa phận thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các xe này chở vật liệu rời, chủ yếu đất san lấp phục vụ các dự án như sân bay Phú Bài, đường Phú Mỹ - Thuận An... Ðặc biệt, ngày 17-3, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn phản hồi gửi Báo Người Lao Ðộng, khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh thông tin và sẽ xử lý nghiêm nếu các cán bộ, chiến sĩ vi phạm.
Sau loạt bài điều tra của Báo Người Lao Ðộng, CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quân và xử lý mạnh tay các xe ben vi phạm
2 tuần xử phạt hơn 1.200 xe tải
Sau loạt bài của Báo Người Lao Ðộng, thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn đã ký công điện yêu cầu lực lượng CSGT toàn tỉnh đồng loạt ra quân thực hiện tháng cao điểm từ ngày 18-3 đến 17-4 về kiểm soát, xử lý đối với xe tải vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Sau 2 tuần triển khai, CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện, xử phạt 1.256 xe tải, xe tải tự đổ (xe ben). Trong đó có 203 trường hợp chở hàng vật liệu rời gây rơi vãi, 38 trường hợp chở hàng vượt kích thước thùng xe, 34 trường hợp cơi nới thùng và 11 trường hợp chở hàng vượt tải trọng cho phép.
Trả lời câu hỏi vì sao trước đây tình trạng xe cơi nới, chở quá tải ở địa phương lại nhan nhản, thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn nói rằng có thể do áp lực trong vấn đề lợi nhuận nên doanh nghiệp vận tải vi phạm. "Việc xử lý xe tải, xe ben vi phạm của lực lượng CSGT không dừng lại sau một tháng cao điểm. Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là thực hiện xuyên suốt, không chỉ sau đợt này mà còn là nhiệm vụ bình thường của các lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông" - thượng tá Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng khẳng định Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất tinh thần chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, về việc quan tâm, tạo điều kiện đối với các ôtô bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, nhanh chóng làm các thủ tục để ra vào các khu công nghiệp, bảo đảm không gây ra ách tắc, tránh ảnh hưởng tiến độ các dự án. "Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc lại với các đơn vị vận tải để quán triệt các quy định chung, yêu cầu họ chấp hành. Doanh nghiệp nào chấp hành tốt thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện, có thể không kiểm tra nhưng nếu họ vi phạm thì cũng bị xử lý theo quy định" - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nói.
Cần nghiêm khắc, chặt chẽ hơn
"Thông tin Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ trong 2 tuần đã xử phạt đến hơn 1.200 xe tải sau loạt bài điều tra của Báo Người Lao Ðộng khiến tôi không khỏi giật mình. Vậy thời gian qua, cơ quan chức năng ở đâu, làm gì" - bạn đọc Thanh Hương thắc mắc.
Nhiều bạn đọc đã lên tiếng nghi ngờ về vụ việc này: "Liệu có duy trì được thường xuyên, hay đâu lại vào đó, khi vụ việc Báo Người Lao Ðộng điều tra lắng xuống?". Bạn đọc Thanh Sang nêu ý kiến: Kiểu tiêu cực này là trực tiếp phá hoại cơ sở hạ tầng giao thông (là tài sản quốc gia), gây hiểm họa tai nạn giao thông cho người dân. Ðề nghị Quốc hội bổ sung hành vi này vào tội hình sự. Bạn đọc Hải Hà cũng cùng quan điểm và cho rằng: Cần phải khởi tố chủ xe, lái xe, thanh tra giao thông, CSGT nếu có hành vi phá hoại và tiếp tay phá hoại tài sản quốc gia.
Bạn đọc Công Thành đề xuất giải pháp mới để xử lý tình trạng trên: Cơ quan chức năng cần sớm xem xét đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể cấp QR code cho tất cả các xe khi đăng kiểm, công khai thông tin kỹ thuật xe, đặc biệt là tải trọng đối với xe ben, xe hàng và số chỗ ngồi cho phép đối với xe khách... Mã này khi quét sẽ truy cập vào cổng thông tin điện tử Ðăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải, với các thông tin như BKS, loại xe, thông số kỹ thuật tải trọng, chiều cao thùng xe đối với xe chở hàng, số chỗ ngồi cho phép chở hành khách... Hiện nay, gần như mọi người dân đều sử dụng smartphone và 4G, như vậy, bất kỳ ai cũng có thể chụp và kiểm tra QR code để biết có tiêu cực, sai phạm hay không.
Bình luận (0)