Với những ứng dụng internet khá thông thường: Zoom, skype... những học trò nghèo của cô giáo Phượng ở vùng cao tỉnh Phú Thọ có thể học được các chương trình giáo dục của bạn bè quốc tế, giao lưu văn hóa, lập chương trình học trực tuyến thường xuyên. Hãy thử hình dung một nhóm học trò đồng bào vùng cao tự thuyết trình bằng tiếng Anh về chương trình "Nói không với ống hút nhựa", "Giới thiệu điệu hát xoan"... của quê hương mình với bạn bè và cả các chuyên gia của thế giới thì chúng ta không thể không thán phục. Điều này, ngay cả ở những thành phố lớn của nước ta cũng có rất ít học sinh làm được.
Giáo viên yêu nghề, thương học trò, sáng tạo trong giảng dạy thì chúng ta có rất nhiều. Nhưng những sáng tạo này thường chỉ được phổ biến trong phạm vi hẹp của trường mình chứ khó phổ biến rộng rãi và được ứng dụng đại trà. Nguyên do là chương trình giảng dạy hiện nay quá khô cứng, quá tải và hầu như được định sẵn nên giáo viên không thể thay đổi.
Chỉ một bộ sách giáo khoa cho lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã loay hoay nhiều năm và đến nay vẫn còn ồn ào. Chuyện giảm tải chương trình vẫn dang dở và học sinh hằng ngày phải đánh vật với khối kiến thức đồ sộ dù ở những cấp học nhỏ nhất. Nâng lương, nâng mức sống cho giáo viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dù còn rất thấp. Ngay cả chuyện lo đủ giáo viên cho vùng cao, vùng khó khăn cho đến bây giờ vẫn làm chưa được. Bao nhiêu vấn đề của hệ thống giáo dục đang đè nặng lên cuộc sống và cả tinh thần của giáo viên thì việc yêu cầu họ sáng tạo, tâm huyết với nghề, với học trò sẽ trở nên quá mức.
Với nền giáo dục của quốc gia, sự nổi bật của cá nhân không thể vực dậy mặt bằng chung của hệ thống giáo dục có sẵn, của hệ thống tư duy giáo dục đã được định hình qua nhiều năm. Nhưng từng cá nhân nỗ lực sẽ rất cần thiết để tạo cảm hứng cho số đông, đặt những gợi ý cho các nhà hoạch định chiến lược về giáo dục và ít nhiều thay đổi một số vấn đề thụ động, máy móc của nền giáo dục hiện nay. Thực tế đã có nhiều tấm gương giáo viên điển hình, sáng tạo. Vấn đề cốt lõi là cơ chế nào để họ có thể nhân rộng những ứng dụng giảng dạy hữu ích của mình, tạo điều kiện để nhiều giáo viên khác tham khảo áp dụng và chính cơ quan quản lý giáo dục học hỏi, đưa vào chương trình giảng dạy chính thức.
Tuy đây là chuyện cá nhân nhưng từ tấm lòng và nỗ lực vô bờ của cô giáo trẻ, chúng ta tự tin về học trò của cô - những đứa trẻ nghèo của vùng núi xa xăm kia mường tượng cho mình một lối đi vào đời - một con đường bước ra thế giới. Xa hơn, những đứa trẻ khác dù có ít hay nhiều cơ hội sẽ nhìn đây là cảm hứng trên bước đường vào tương lai.
Bình luận (0)