Chúng ta hy vọng đây là món quà quý sẽ giúp được người khó khăn trong lúc ngặt nghèo nhưng cũng không khỏi chạnh lòng bởi cách mà những đồng tiền này đến với họ. Người xưa nói rằng "một miếng khi đói bằng một gói khi no" nhưng cũng dặn kỹ càng: "Của cho không bằng cách cho". Đồng cảm được, thấu hiểu được thì sẽ có cách hành xử tế nhị, bởi trên hết là tấm lòng quan tâm, hỗ trợ người nghèo thay vì khoa trương hay phô bày hình thức.
Sự cẩn trọng của các cơ quan chức năng là cần thiết để nguồn quỹ từ thiện được sẻ chia đúng người cần và phát huy được tác dụng lớn nhất. Khi có người khó khăn cấp bách, khoản tiền hỗ trợ sẽ đến kịp thời. Căn cơ hơn là giúp người nghèo tạo sinh kế lâu dài, chỗ ở ổn định, lo được tương lai cho con cái.
Từ vụ việc trên một lần nữa cho thấy sự thiếu đồng bộ trong công tác từ thiện hiện nay. Nguồn quỹ lớn nhất, bài bản nhất là thông qua cơ quan MTTQ các cấp nhưng cũng phải thừa nhận nhiều nơi đã không kịp thời. Nếu có sự ưu tiên thì phải là ưu tiên cho người khó nhất, cấp bách nhất. Có nơi, cán bộ thừa hành không hiểu thấu đáo tính chất vấn đề, thậm chí còn vận dụng không đúng đối tượng, phát sinh lời ra tiếng vào về việc thiếu bảo đảm công bằng.
Làm từ thiện rất kỳ công và cần đầy đủ sự thấu cảm. Mất đi một trong những yếu tố trên, người cho dễ trở thành trịch thượng. Lúc khó khăn cũng là lúc nhạy cảm nhất, dễ tổn thương nhất nên người nhận sự giúp đỡ cũng e dè nhất. Nên trước khi trao đi một sự giúp đỡ, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người được nhận.
Mọi sự giúp đỡ đều đáng trân quý nhưng không ít người trao đồng tiền từ thiện với sự xênh xang như một cách tự tôn mình, như sợ rằng cộng đồng sẽ quên họ. Có người trao đồng tiền và ra mệnh lệnh phải thế này, thế khác. Như thế thì tội nghiệp cho người nhận và đó là cách bỏ tiền ra để mua danh chứ nào còn ý nghĩa của tương thân tương ái.
Có một câu chuyện để tham khảo: Quỹ từ thiện Đại Tây Dương được thành lập từ năm 1982. Nguồn quỹ này đã giúp đỡ hàng triệu người trên thế giới với tổng số tiền lên đến 8 tỉ USD nhưng không biết ai là chủ nhân. Năm 1997, trong một dịp vô tình mọi người mới phát hiện chủ nhân của quỹ này là tỉ phú Chuck Feeney. Ông chỉ giữ lại 2 triệu USD dành cho phần cuối cuộc đời mình.
Ngay ở Việt Nam, nhiều người vẫn âm thầm giúp đỡ người khác bằng các quỹ từ thiện lên đến hàng tỉ đồng nhưng chưa một lần xuất hiện. Cách đây vài tuần, một bà cụ bán vé số đến trao 650.000 đồng cho quỹ từ thiện của một tờ báo và dặn "đừng ghi tên tôi làm gì"!
Từ xưa có một câu nói: Khi giúp người khác, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Trong nhiều trường hợp, câu này là chí lý. n
Bình luận (0)