Cuộc đàm phán phản ánh tình hình của chiến trường. Trong suốt quá trình đàm phán, các cuộc tiến công trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã diễn ra, gắn bó chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn gấp bội để giành được thắng lợi.
Kế sách "vừa đánh vừa đàm"
Đến thăm Việt Nam dịp này, bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sĩ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, hồi tưởng sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson hiểu rằng Mỹ không bao giờ có thể giành được chiến thắng từ cuộc chiến này. Tổng thống Mỹ đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam - một cuộc đàm phán về mặt chính trị.
Hội nghị Paris - cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ - bắt đầu từ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sau cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam ở miền Nam, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.
Trong đó, Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố chấp nhận đi vào đàm phán. Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber, Paris, Pháp.
Hội nghị Paris là cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Mỹ kéo dài gần 5 năm (từ năm 1968 đến 1973) trong khi cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Đây là kế sách "vừa đánh vừa đàm" với đối phương là một cường quốc có sức mạnh quân sự hơn Việt Nam nhiều lần.
Cuộc đàm phán phản ánh tình hình của chiến trường. Trong suốt quá trình đàm phán, các cuộc tiến công trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã diễn ra, gắn bó chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn gấp bội để giành được thắng lợi.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh bản lĩnh Việt Nam khi bước vào Hội nghị Paris thể hiện ở sức mạnh, thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường. "Khi bắt đầu họp, cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đặt chúng ta vào vị thế người chiến thắng.
Đây là một minh chứng sống động cho tư tưởng của Bác Hồ là phải trông vào thực lực. Như Bác nói "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng, chiêng có to tiếng mới lớn". Chính thực lực của ta mạnh làm cho tiếng ngoại giao vang lên và thể hiện trong Hiệp định Paris" - ông Vũ Khoan khẳng định.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. (Ảnh: TRẦN DƯƠNG)
Đường tới hòa bình
Ông John McAuliff - nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ, người tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia - cho biết nhiều người vẫn có luận điệu rằng Việt Nam buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.
Tuy nhiên, ông khẳng định thực tiễn quá trình đàm phán và những diễn biến trên thực địa, bất chấp những cuộc ném bom miền Bắc vào cuối năm 1972, Việt Nam vẫn đứng vững và buộc Chính phủ Mỹ cùng với chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán sau những gì họ gây ra với miền Bắc, đặc biệt là tại 2 TP Hà Nội, Hải Phòng.
Cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 13-5-1968, ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ tham gia. Từ ngày 25-1-1969, mở ra thành hội nghị 4 bên, có thêm Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Kết hợp chặt chẽ "đánh với đàm", Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi Mỹ phải rút hết quân viễn chinh về nước. Dù phản ứng quyết liệt, song phía Mỹ vẫn buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân đội. Đến khi chuốc lấy thất bại thảm hại trong cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 cuối năm 1972, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, đơn phương rút hết quân Mỹ và quân đồng minh về nước, chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam.
Đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Kléber, hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger ký tắt.
Ngày 27-1-1973, hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên. Bản hiệp định gồm 9 chương, 23 điều, trong đó có 3 điều quan trọng nhất là: Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và thống nhất của Việt Nam; quân Mỹ và chư hầu phải rút hết khỏi Việt Nam; quân miền Bắc vẫn ở lại miền Nam Việt Nam.
Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam, Hiệp định Paris chính thức được thi hành. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào năm 1975.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-1
Bình luận (0)