Ngày 22-1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC), cùng 20 đồng phạm trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại PVN và PVC.
Đặc biệt nghiêm trọng
Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị HĐXX tuyên phạt 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (Cố ý làm trái); Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái" và chung thân về tội "Tham ô tài sản", tổng hình phạt là chung thân.
TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đều giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế nhà nước, khi được giao dự án mang tầm quan trọng chiến lược của nhà nước đã lợi dụng vị trí đặc thù để sai phạm, làm chậm tiến độ và đội vốn hàng ngàn tỉ đồng ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cụ thể, PVN được giao làm đầu mối đầu tư dự án, tổng mức đầu tư sau thuế là hơn 31.505 tỉ đồng (tương đương gần 1,7 tỉ USD). Biết rõ PVC gặp khó khăn về tài chính và chưa có kinh nghiệm nhưng ông Thăng ký quyết định giao PVC thực hiện gói thầu dự án theo hình thức chỉ định thầu.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án Ảnh: TTXVN
Bản án cũng nhận định việc tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng cho PVC căn cứ 2 hợp đồng (số 33 và 4194) là trái quy định. Sau khi PVC nhận tạm ứng, Thanh và cấp dưới dùng 1.100 tỉ đồng vào mục đích khác, đến nay mới thu hồi gần 1.100 tỉ đồng, còn hơn 119 tỉ đồng xác định là thiệt hại.
Tại tòa, một số bị cáo và luật sư (LS) cho rằng việc giám định thiệt hại số tiền PVC tạm ứng, sử dụng sai mục đích là không đúng, không khách quan. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy hội đồng giám định đã tuân thủ pháp luật, làm rõ số tiền thiệt hại là 119 tỉ đồng. Ngoài ra, do PVC không có năng lực làm tổng thầu nên dự án chậm 18 tháng, phát sinh lãi các khoản vay, máy móc "đắp chiếu" gây thiệt hại khác không tính được trong quá trình điều tra vụ án.
Đối với tội danh của ông Thăng, căn cứ lời khai của bị cáo, HĐXX thấy vào ngày 15-10-2010, HĐQT PVN đã ra nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, bị cáo đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất của dự án là trái quy định.
Trong quá trình điều tra, ông Thăng thừa nhận do sức ép tiến độ nên có sai phạm trong quy trình chỉ định thầu PVC khi không qua HĐTV; do nôn nóng, sức ép công việc nên đã chỉ đạo ký hợp đồng trái quy định để rút ngắn tiến độ. Việc này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và nhân chứng.
Theo HĐXX, ông Thăng quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền quyết liệt, vội vã cho doanh nghiệp không đủ năng lực đã trái pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, biết rõ PVC khó khăn, không có đủ năng lực nhưng vẫn chỉ định PVC tổng thầu thực hiện dự án. Qua đó, thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội "Cố ý làm trái".
Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, HĐXX cho rằng tại tòa, bị cáo thừa nhận PVC không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng, sau đó dùng tiền tạm ứng sai mục đích. Bản thân bị cáo không có vai trò quyết định trong việc chi tiền sai mục đích.
HĐXX thấy rằng bị cáo thừa nhận việc ký kết Hợp đồng 33 dù hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ. Điều này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác. Bị cáo cũng chính là người ký vào phiếu lấy ý kiến về việc phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu tội "Cố ý làm trái...".
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, trao đổi với báo chí, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho biết phiên tòa xét xử đa số bị cáo từng giữ chức vụ, trọng trách cao tại các cơ quan đơn vị nhà nước. Chính vì thế, với tinh thần trách nhiệm và để bảo đảm thời gian, HĐXX phải tập trung nghiên cứu hồ sơ, không có ngày nghỉ lễ. Phiên tòa không có gì đặc biệt ngoài việc các bị cáo từng có chức vụ, quyền hạn. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, HĐXX tuân theo quy định, xem xét tính chất, mức độ một cách toàn diện, cũng như xem xét quá trình cống hiến của bị cáo để đưa ra mức án hợp lý, thể hiện tính răn đe, phòng ngừa.
Trả lời câu hỏi: "Điều gì khiến ông suy nghĩ nhất qua vụ án?", thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: "Tôi tâm huyết và suy nghĩ với câu nói của Tổng Bí thư là bất kỳ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào thì yếu tố con người mang tính quyết định. Các vụ án gần đây xuất phát từ yếu tố con người, mà đầu tiên là người lãnh đạo. Họ có cái gì đó thể hiện sự độc đoán, thiếu phát huy dân chủ cơ sở dẫn đến không chỉ bị cáo đứng đầu sai phạm mà kéo theo nhiều người dưới quyền biết sai nhưng vẫn làm".
LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh) đánh giá phiên tòa diễn ra dân chủ, công khai, theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới mặc dù chưa đáp ứng được tốt nhất. "Với nhiều năm hành nghề bào chữa hình sự, tôi thấy về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự mặc dù vẫn có những cái nhầm lẫn. Nếu đúng thì bị cáo tranh luận trước, sau đó mới đến LS. Tại phiên tòa này, HĐXX vẫn nhầm lẫn khi LS tranh luận trước, sau đó mới đến bị cáo" - LS Thiệp đánh giá.
Thu hồi càng nhiều càng tốt
Ngoài chịu trách nhiệm về hình sự với tội "Cố ý làm trái", ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải liên đới bồi thường mỗi bị cáo 30 tỉ đồng. Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận cùng chịu trách nhiệm bồi thường mỗi người 7,5 tỉ đồng...
LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết theo tinh thần của Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới thì trừ các tội quá tàn ác, tàn bạo…, riêng lĩnh vực kinh tế thì tập trung thu hồi tài sản, tiền của bị mất. Việc nộp tiền để tại ngoại, nộp tiền để giảm án đã thể hiện rất rõ. Trong vụ án này, người dân đặc biệt quan tâm đến việc thu hồi tài sản thất thoát cho nhà nước, mong muốn thu hồi được tài sản thất thoát càng nhiều càng tốt.
"Việc xem xét giảm án cho các bị cáo nộp tiền để khắp phục hậu quả là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật cũng như hiệu quả trong việc thu hồi tài sản cho nhà nước. Việc cần làm là nên hoan nghênh, khuyến khích và mạnh dạn giảm án cho các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả" - LS Thuận nhấn mạnh và cũng cho rằng bị cáo và người thân của bị cáo nên góp tiền nộp lại cho nhà nước để nhận sự khoan hồng.
"Đây là tình tiết đáng hoan nghênh, cũng là tình tiết giảm nhẹ tội trong phiên tòa phúc thẩm sau này. Còn giảm án như thế nào là tùy sai phạm của các bị cáo" - LS Thuận nêu rõ.
Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định HĐXX không thấy có sức ép gì ngoài sức ép về mặt thời gian. Về nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm.
Luật sư: Bản án quá nặng
LS Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh) cho rằng đây là phiên tòa có nhiều tiến bộ, diễn ra công khai, minh bạch và chủ tọa điều hành phiên tòa tốt.
"Bản án là quá nặng nề. Sau khi nghe xong bản án, thân chủ cũng rất sốc. Với những chứng cứ và theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới thì về nguyên tắc, chưa đủ chứng cứ là không thể tuyên các bị cáo có tội" - ông Quynh nói.
22 năm tù cho nguyên Tổng Giám đốc PVC Vũ Đức Thuận
Cùng bị kết tội "Cố ý làm trái", HĐXX tuyên phạt nguyên Tổng Giám đốc Phùng Đình Thực cùng 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh mỗi người 9 năm tù; Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC, cùng bị phạt 7 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC, cùng 6 năm tù; Phạm Tiến Đạt, cựu kế toán trưởng và Lê Đình Mậu, nguyên Phó Ban Kế toán - Kiểm toán PVN, cùng 4 năm 6 tháng tù; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC: 17 tháng tù; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2, bị phạt 3 năm tù treo và 30 tháng treo cho Trần Văn Nguyên, nguyên kế toán trưởng của ban này.
Với tội "Tham ô tài sản", Vũ Đức Thuận bị phạt 15 năm tù. Như vậy, tổng hình phạt của bị cáo này là 22 năm tù; Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC: 16 năm tù; Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch: 10 năm tù; Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh Văn phòng PVC: 10 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh, nguyên Giám đốc Kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng: 8 năm tù; Lê Thị Anh Hoa, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa: 3 năm tù cho hưởng án treo.
Bình luận (0)