Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19-6 với 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh. Đây được coi là một trong những kỳ thi lớp 10 mang tính cạnh tranh và khốc liệt nhất trên cả nước khi có tới khoảng 52.000 thí sinh sẽ không có cơ hội vào các trường công lập.
Cạnh tranh hơn tuyển sinh ĐH
Trong khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 ở Hà Nội, chỉ khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Còn lại 9% số học sinh tham gia học nghề. Điều này đồng nghĩa với việc các trường công lập sẽ tuyển khoảng 77.000 học sinh, khoảng 27.000 học sinh vào học các trường tư thục. Các trung tâm GDNN-GDTX tuyển 12.900 học sinh và khoảng 12.100 học sinh sẽ theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Năm nay, để bảo đảm học sinh tốt nghiệp THCS đều có cơ hội theo học lớp 10 và giảm tải sĩ số ở một số địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội đã đồng ý mở thêm một số trường THPT và tăng thêm chỉ tiêu cho một số trường công lập. Cụ thể, chỉ tiêu vào trường công lập tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021-2022, chỉ tiêu vào trường tư thục tăng khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2021-2022. Tuy nhiên, con số này vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của người học.
Tại TP HCM, hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% trong số hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm. Gần 93.000 thí sinh đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu là 72.800 nên hơn 20.000 em sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập. Một số trường "hot" tại thành phố này đã chạm mốc "1 chọi 2" trở lên, mức độ cạnh tranh rất cao.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hải Phòng sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9-6 với 3 môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Thí sinh thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi từ 10 đến 12-6. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 toàn thành phố là 28.213 học sinh, trong đó Trường THPT chuyên Trần Phú có 705 chỉ tiêu; các trường THPT công lập tuyển 20.631 chỉ tiêu, trường THPT ngoài công lập tuyển 6.877 học sinh. Số thí sinh dự thi vào lớp 10 không chuyên là 24.102 em, trong khi số thí sinh dự thi chuyên là 2.786.
Địa phương duy nhất trong năm nay không tổ chức thi tuyển là Đồng Tháp. Theo thông báo, Đồng Tháp sẽ xét tuyển vào lớp 10, dựa trên điểm trung bình, điểm ưu tiên và tổng điểm hạnh kiểm 4 năm học bậc THCS. Những thí sinh ở Đồng Tháp sẽ không phải chịu áp lực thi cử nhưng mức cạnh tranh để có suất vào học lớp 10 công lập cũng vẫn rất cao.
Học sinh lớp 9 tại TP HCM ôn tập chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10Ảnh: TẤN THẠNH
Không phải cánh cửa duy nhất
Phụ huynh có con không đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập ở Hà Nội đã trải qua cuộc đua đầy căng thẳng và mệt mỏi để giành một suất học cho con ở trường ngoài công lập. Rút kinh nghiệm những năm sau đó, các phụ huynh đã phải tính toán lên các phương án và tìm trường cho con từ lớp 8. Chị Hoàng Hằng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết từ đầu lớp 8, chị đã tìm trường cho cậu con trai mình. "Chúng tôi lên nhiều phương án để tìm một ngôi trường phù hợp nhất với sức học của con chứ không quá tham vọng vào những trường tốp" - chị Hằng cho biết.
Nhiều phụ huynh khi được hỏi cũng chia sẻ ưu tiên số 1 là giành được một suất vào học các trường công lập nhưng cũng tính toán tìm hiểu cả các trường dân lập chất lượng cao. "Cuộc đua công lập quá khắc nghiệt nên gia đình cũng chỉ có thể động viên con học hết sức có thể chứ không ép cháu. Những năm qua, đều có những chuyện buồn vì áp lực thi vào lớp 10" - chị Trần Lan, sống tại quận Hoàng Mai, chia sẻ.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, khẳng định trượt lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa vào tương lai của các em đã khép lại. Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh "sính" trường công và áp đặt cho con mình. "Đa số phụ huynh vẫn nghĩ trường công là mô hình có bao cấp hoặc con em phải vào trường công mới danh giá nhưng lại không quan tâm đến việc đó có phù hợp với con mình hay không. Học tại trường tư thục là rất bình thường, các con sẽ được học các kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém gì so với các trường công lập. Thậm chí với các trường được đầu tư bài bản, các con còn được trải nghiệm tốt hơn" - TS Lâm nêu quan điểm.
Cô Đoàn Diệu Anh, giáo viên Trường THCS Giảng Võ, cho rằng có nhiều con đường đi đến thành công, không nhất thiết phải vào trường công lập. "Tôi hiểu những nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Bố mẹ nào cũng kỳ vọng, mong muốn con đạt thành tích cao nhất, đặc biệt là khi chuyển cấp. Những kỳ vọng này là chính đáng và là điều dễ hiểu nhưng đôi khi lại gây nên những áp lực tâm lý đối với lứa tuổi học sinh. Còn rất nhiều mô hình đào tạo khác để các con lựa chọn, hãy nhìn vào năng lực của con chứ đừng khiên cưỡng" - cô Diệu Anh chia sẻ.
"Ép" học lực kém không thi vào lớp 10
Cạnh tranh khốc liệt đã xảy ra tình trạng một số nơi giáo viên có ý kiến với phụ huynh có con học lực kém không nên thi vào lớp 10. Không ít phụ huynh đã bức xúc lên tiếng trên mạng xã hội về việc này. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở Hà Nội mà còn ở Hải Phòng.
Tại cuộc họp báo mới diễn ra, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, thừa nhận tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 tại một số trường học trên địa bàn là có thật và xuất phát từ căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Ông Kiệm khẳng định Sở GD-ĐT Hải Phòng không chủ trương hay chỉ đạo ép học sinh không thi vào lớp 10. Sở GD-ĐT Hải Phòng ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng này, yêu cầu người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu để xảy ra vụ việc.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Cần hiểu đúng năng lực của học sinh
Những thí sinh không có nguyện vọng học tiếp lên ĐH, thì việc học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ phù hợp. Hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng hiện nay đều đã triển khai hệ đào tạo này. Các bậc phụ huynh cần hiểu đúng năng lực của con em mình để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em.
Tôi biết có nhiều ông bố bà mẹ mặc dù con thi đủ điểm vào trường công lập nhưng họ vẫn hướng cho con mình nộp hồ sơ vào trường tư thục. Theo quan điểm của họ, trường công lập và tư thục đều được phát triển song song, mỗi bên có một thế mạnh riêng và họ muốn con mình được học trong môi trường tốt hơn nữa, tất nhiên là chi phí cũng sẽ cao hơn.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT:
Sớm có việc làm, thu nhập
Hết THCS, các em có thể chọn học nghề. Học nghề mang lại nhiều lợi ích như có kỹ năng nghề nghiệp sớm để có thể kiếm việc làm, có thu nhập và giúp đỡ gia đình về mặt kinh tế. Các em vừa được học kiến thức cơ bản và lại có kỹ năng nghề tương lai sau này khi thị trường lao động thay đổi đòi hỏi kỹ năng ngày một cao thì các em có thể được đào tạo dễ hơn nhờ các môn học văn hóa rất cơ bản. Đặc biệt khả năng tự học sẽ tốt nhờ chương trình các môn văn hóa.
Học ĐH ai cũng muốn nhưng khả năng và điều kiện trang trải học phí khó khăn thì các em nên cân nhắc lựa chọn vào học nghề. Học nghề nào và học ở đâu thì các em cần tìm hiểu kỹ xu hướng tuyển dụng, đặc biệt là thông tin của nhà trường về ngành nghề được đào tạo.
Cô Đoàn Diệu Anh, giáo viên Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội:
Nhiều cơ hội cho học sinh
Tương lai của mỗi người là tìm được một nghề nghiệp phù hợp với năng lực, ổn định để có thể nuôi được bản thân và gia đình. Có nhiều con đường để đi đến thành công, cuộc sống mới chỉ bắt đầu, còn nhiều cơ hội nữa sẽ đến với học sinh.
Nếu không đỗ công lập, các em có thể theo học tại trường tư thục. Thực tế cho thấy không ít trường ngoài công lập vẫn có tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường ĐH công lập với điểm số khá cao. Nhiều trường thậm chí còn đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến, đó cũng là một lợi thế, một sự lựa chọn hoàn toàn đúng.
Bình luận (0)