Ngày 20-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) để đánh giá việc thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC). Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Vẫn còn tàu cá vi phạm
Báo cáo kết quả thực hiện chống khai thác IUU, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hiện tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Đến nay, tỉ lệ tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 95,27%, tăng hơn 5% so với trước.
Về kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra; duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát, hướng dẫn ngư dân chấp hành pháp luật trên biển. Tính từ quý IV/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Khánh Hòa… đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm. Riêng tỉnh Phú Yên, từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Dù vậy, theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số bất cập. "Các tỉnh thực thi pháp luật không đồng đều; có tỉnh lập biên bản, có tỉnh gọi đến nhắc nhở, có tỉnh thì phạt. Do đó có tình trạng tàu của tỉnh này chạy sang tỉnh kia" - ông Tiến nói.
Theo ông Phùng Đức Tiến, để khắc phục những bất cập trên, Bộ NN-PTNT đang rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2019, trong đó đề xuất Cảnh sát biển có quyền xử phạt.
Tham gia ý kiến, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nêu rõ cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo thành lập các đoàn liên ngành xử lý nghiêm vi phạm về khai thác thủy sản Ảnh: Đức Tuân
Xử lý nghiêm vi phạm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để EC rút "thẻ đỏ" là vấn đề rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng đánh giá những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% với tàu dài từ 15 m trở lên, với tàu dưới 15 m mới đạt 46,6%). Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong năm 2022 còn chậm (mới tăng 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều bất cập… "Đây là vấn đề lớn, phải khắc phục bằng được, nếu không thì không những không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở trung ương do lãnh đạo Bộ NN-PTNT chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Song song đó, các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đề án phòng chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam an toàn, bền vững.
Bình luận (0)