Ngày 14-8, tại TP HCM diễn ra hội thảo khu vực miền Nam về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhiều vấn đề được các đại biểu nêu ra tại hội thảo
Nhu cầu về hoàn thiện pháp lý
Báo cáo tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho hay thành phố đã xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030; giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai và đạt một số kết quả tích cực. Nhiều nhóm giải pháp công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu quả đối với quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, chống ngập, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường...
Sở TN-MT TP HCM mong muốn các quan điểm, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 24 tiếp tục được triển khai, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp lý trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Góp ý tại hội thảo, bên cạnh những điểm tích cực, các đại biểu chỉ ra nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực tài chính còn hạn chế. Do đó, 2 vấn đề trên nên được khắc phục bên cạnh việc rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các bên liên quan.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho hay đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 là một đề án lớn có phạm vi bao trùm cả 3 nội dung lớn là ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, bên cạnh các kết quả đạt được cần chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ TN-MT cũng đặt vấn đề nếu xem ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là một trong các trụ cột phát triển bền vững đất nước thì phải có nghị quyết riêng và thực hiện quyết liệt từ trên xuống dưới.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sẽ sớm khởi động. Trong ảnh: Cống ngăn triều Tân Thuận
Vận dụng tốt Nghị quyết 98
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường thông tin từ khi Nghị quyết 24 ra đời, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến.
Ông Bùi Xuân Cường cho hay thời gian qua thành phố tập trung thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thành phố đang tập trung tháo gỡ cho dự án BT này, cố gắng khởi động lại trong quý III/2023. Ngoài ra, cố gắng trước ngày 2-9 phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sau nhiều năm giải quyết khó khăn, cân đối nguồn vốn.
TP HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%. Ông Bùi Xuân Cường nhìn nhận chỉ tiêu này đang là thách thức lớn.
Về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được nhiều đại biểu quan tâm, ông Bùi Xuân Cường cho biết thành phố vừa tổ chức hội thảo và đang hoàn thiện đề án để trong tháng 8 này trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề án, một phần đất thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được sử dụng, vì vậy khi đề án được thông qua, TP HCM sẽ tiếp tục tham vấn, lắng nghe ý kiến phản biện để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ TN-MT.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng trên cơ sở kết quả đạt được khi thực hiện Nghị quyết 24 cần tập trung xử lý những khó khăn trước mắt, trong đó thành phố sẽ tận dụng cơ hội khi thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để tiếp tục giải quyết các vấn đề về thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Giải pháp phải sát thực tiễn
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho hay thực tế ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động. Một trong nhiều nguyên nhân là cơ chế, chính sách chưa huy động được tối đa, linh hoạt các nguồn lực đầu tư vào nhiệm vụ này.
Từ góc độ địa phương, ông Lê Văn Sử kể về tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Cà Mau. Cách đây nhiều năm, địa phương đã nhìn ra việc huy động doanh nghiệp cùng tham gia ứng phó sạt lở. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách không cho phép thực hiện dự án hợp tác công tư (PPP) và Cà Mau liên tục có ý kiến nhưng chưa được tháo gỡ. Vì vậy, ông kiến nghị Bộ TN-MT và các bộ liên quan đề xuất cơ chế, chính sách để trong thời gian tới huy động được nguồn lực.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này có nhiều khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai nhưng chưa có khu tái định cư nào thành công, hay nói cách khác là tạo sinh kế bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ. Ông kiến nghị chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá thực tiễn để đề ra cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết 24 giai đoạn tới tốt hơn trong sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Bình luận (0)