Ngày 4-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 1677 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc-xin
Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số nước đã xuất hiện biến chủng mới Omicron.
Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cấp thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin an toàn, khoa học, hiệu quả và các biện pháp phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.
Sáng cùng ngày, tại hội nghị tập huấn trực tuyến về an toàn tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tiếp tục khẳng định tiêm vắc-xin Covid-19 đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh.
Tại Việt Nam, gần 127 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm, tỉ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 là hơn 70%. Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch, hướng dẫn tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.
Nhắc lại sự cố tiêm chủng xảy ra gần đây, ông Sơn lưu ý phân tích các nguyên nhân dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh lớp 8 Trường THCS Giảng Võ (TP Hà Nội) Ảnh: Ngô Nhung
Số ca F0 tăng nhanh
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19 gồm: vắc-xin; các biện pháp y tế công cộng - xã hội; quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới. Trong số đó, bao phủ vắc-xin được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện.
Đại diện WHO nhấn mạnh cùng với các biện pháp 5K, vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron khiến người dân lo lắng hơn. Đến thời điểm này, vắc-xin vẫn là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng đó.
Theo Bộ Y tế, những ngày gần đây, tại nhiều địa phương, con số mắc Covid-19 trong ngày đã lên tới hơn 13.000 trường hợp, tương đương số ca ở giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch lần thứ 4. Đáng nói là một tỉ lệ lớn ca mắc trong cộng đồng. Tại Hà Nội, 100% quận, huyện, thị xã đã có bệnh nhân Covid-19.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết nguy cơ dịch lây lan rất cao, song nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là. Hà Nội đã triển khai việc cách ly F1 tại nhà cũng như thành lập các cơ sở điều trị F0 tại cơ sở và cho phép F0 thể nhẹ đáp ứng đầy đủ điều kiện được điều trị tại nhà.
Cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lo ngại gần đây có tình trạng người dân chủ quan sau khi tiêm vắc-xin, trong khi các địa phương đang thực hiện nới lỏng để thích ứng nhưng không có nghĩa là buông lỏng, không kiểm soát dịch.
Bình luận (0)