Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… phối hợp tổ chức ngày 27-2 tại Hà Nội. Hội thảo tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố.
Nguồn lực nội sinh và động lực to lớn
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa giàu bản sắc, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam. Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Từ cách đặt vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Do đó, cần khơi dậy nguồn sức mạnh mềm lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển. Làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: Phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh "Đề cương về văn hóa Việt Nam" còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với việc vận dụng các nguyên tắc của "Đề cương về văn hóa Việt Nam", trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.
Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định thực hiện theo chủ trương, quan điểm của "Đề cương về văn hóa Việt Nam", văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hóa, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu quan điểm văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hóa. "Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hóa, giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hóa" - ông Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - khẳng định đề cương ra đời đã bắt đúng mạch nguồn tư tưởng, có sức mạnh hiệu triệu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân Việt Nam... Những tư tưởng chủ đạo mà "Đề cương về văn hóa Việt Nam" nêu ra như dân tộc, khoa học, đại chúng không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, đi qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu xem triển lãm ảnh 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” bên lề hội thảo
Huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị sau hội thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước.
Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát huy vai trò chủ thể, là trung tâm của con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tuần phim "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam"
Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuần phim "Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023)" tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).
Tuần phim được tổ chức trong phạm vi cả nước, từ ngày 25-2 đến 3-3, giới thiệu những bộ phim có đề tài, chủ đề về văn hóa, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam. Trung tâm Chiếu phim quốc gia trình chiếu những tác phẩm điện ảnh như: Phim truyện: "Bình minh đỏ" (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), "Cơn giông" (Công ty CP Phim Giải Phóng), "Phượng cháy" (Công ty CP Phim truyện I), "Nhà tiên tri" (Công ty TNHH Hãng phim truyện Việt Nam); phim tài liệu: "Hồ Chí Minh, năm 1946" (Công ty CP Truyền thông Vietking), "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "Chầu văn - âm hưởng linh thiêng" (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)...
H.Thuận
Những bài học quý
Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu.
Đó là bài học về sự kiên định kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.
Bài học về sự hòa quyện giữa "ý Đảng - lòng dân", về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy mọi tiềm tăng, nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học về phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa.
Bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, "xây" đi đôi với "chống"; khẳng định, cổ vũ, động viên, nhân lên những giá trị tốt đẹp, đồng thời kiên quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, gây hại đến sự phát triển của nền văn hóa dân tộc...
Là "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi"
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định đề cương đã luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết, khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Vì bản chất cốt lõi của văn hóa chính là "một mặt trận", là "ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi", là "sức mạnh nội sinh", là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
"Việc phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng ta đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt. Do đó, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam - trụ cột của sự phát triển - không còn là giải pháp riêng của ngành văn hóa mà cần giải pháp tổng thể của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)