Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào hôm nay, 27-2, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.
Tư duy, tầm nhìn trong phát triển văn hóa
Tháng 2-1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đề cương này là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá thời điểm và bối cảnh ra đời của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Các đại biểu tham quan triển lãm “Bản sắc văn hóa Bắc Ninh” bên lề Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trải qua 80 năm, các luận điểm của đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; về sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa và các nguyên tắc vận động của văn hóa đã được chứng minh là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng; tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận quá trình chuyển dịch từ 3 nguyên tắc "dân tộc, đại chúng, khoa học" của nền văn hóa cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.
GS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - nhận định "Đề cương về văn hóa Việt Nam" như một thiết kế từ tư tưởng lý luận văn hóa, vừa truyền thống vừa hiện đại. Điều đó giải thích vì sao qua 80 năm, khi độ lùi của thời gian càng xa thì giá trị, ý nghĩa và sức sống của đề cương càng tỏa sáng.
Đề cương vẫn còn mãi trong hành trình xây dựng, kiến tạo văn hóa mới, con người mới trong thời đại mới ở Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Ngày nay, đó là định hướng XHCN để định hình CNXH, là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để dân tộc cường thịnh, trường tồn, như Đảng ta nêu rõ trong văn kiện Đại hội XIII.
Đường hướng quan trọng
Trong 3 nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa Việt Nam, nguyên tắc dân tộc hóa được đặt ra đầu tiên.
GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đánh giá 80 năm qua, nguyên tắc này đã được đổi mới và trong thực tiễn, nền văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nhìn từ phương diện dân tộc.
Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên tắc dân tộc hóa ra đời được 2 năm thì dân tộc Việt Nam đã giành được chính quyền để xây dựng nền văn hóa của dân tộc. Suốt thời gian dài, dù cả dân tộc phải thực hiện cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập ở phía Nam, phía Bắc và ở biển Đông, chúng ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa dân tộc. Nói cách khác, nguyên tắc dân tộc hóa trở thành nguyên tắc xây dựng nền văn hóa dân tộc.
Trong khi đó, về văn bản pháp quy, các luật, pháp lệnh trong lĩnh vực văn hóa đều thể hiện sự đổi mới tư duy về nguyên tắc dân tộc hóa. Về phương diện tổ chức, chúng ta đã xây dựng một hệ thống các hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc quảng bá di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được chú trọng và đạt kết quả to lớn...
PGS-TS Trần Thị An, Khoa Các khoa học liên ngành - ĐHQG Hà Nội, nhấn mạnh: "Với tất cả sự cô đọng, súc tích, có thể nói, bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã vạch ra được những đường hướng chiến lược quan trọng cho sự phát triển văn hóa Việt Nam. Ba nguyên tắc vận động: "dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa" chính là những nội dung quan trọng đặt nền móng cho các văn kiện quan trọng về văn hóa của Đảng và các chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ trong 80 năm qua".
Tương đồng với bối cảnh hiện nay
PGS Trần Thị An cho rằng dường như có một sự tương đồng giữa tính chất của thời điểm biên soạn "Đề cương về văn hóa Việt Nam" với bối cảnh hiện nay. Đó là đất nước đang đứng trước những vận hội mới. Vận hội đó đang một lần nữa yêu cầu nhấn mạnh vai trò của văn hóa và đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa thực hiện những trọng trách quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Trước các làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, trước áp lực mạnh mẽ của kinh tế thị trường, trước tác động của những biến đổi mau lẹ của thế giới đến sự phát triển đất nước, việc kiên định dựa trên 3 trụ cột "dân tộc - đại chúng - khoa học" trong kiến tạo nguồn lực nội sinh và bản sắc văn hóa dân tộc nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người dân luôn là một vấn đề có ý nghĩa thời sự.
Bình luận (0)