Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 17-12 tại Bắc Ninh. Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết những năm qua, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu được chú trọng. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng cho rằng vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Bên cạnh đó, đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế; về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết là sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm “Bản sắc văn hóa Bắc Ninh” bên lề hội thảo Ảnh: HOÀNG HOÀNG
Theo ông Võ Văn Thưởng, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa; hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. "Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận nhưng cũng không được bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển" - ông Võ Văn Thưởng lưu ý.
Theo Thường trực Ban Bí thư, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất mà còn là con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc..., không chỉ là nguồn lực của nhà nước mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.
Chiến lược phát triển văn hóa cần tầm nhìn xa
Trong phiên thảo luận, GS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong thể chế, chính sách và nguồn lực cần được tháo gỡ để giải phóng sức sáng tạo. Theo GS Từ Thị Loan, việc thể chế hóa chủ trương về phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm, nhiều lúng túng, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ.
Nhạc sĩ Quốc Trung thì cho rằng người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ giải quyết các vấn đề cũ. Vì vậy, cần tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa để định hướng cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy nguồn năng lực sáng tạo.
Liên quan đến sự sáng tạo của nghệ sĩ, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng cần có cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó hậu kiểm thông qua các quy định để nghệ sĩ biết được làm gì và không được làm gì. Điều đó không có nghĩa là không có tiền kiểm mà thông qua các quy định để các văn nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm phù hợp với xã hội.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần tập trung đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa. Giải quyết hài hòa, kết hợp giữa phát triển sự nghiệp văn hóa công ích với phát triển các ngành kinh doanh văn hóa. Đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng những người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo văn hóa.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Ngoài ra, phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực cho phát triển văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa.
7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam với quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là những vấn đề mới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ hội thảo đã thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay:
1. Sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho chương trình này.
2. Rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp thu các ý kiến có giá trị tại hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
3. Tập trung triển khai có hiệu quả chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa...
4. Đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học - nghệ thuật xứng tầm.
5. Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
6. Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
7. Chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.
Bình luận (0)