Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa V, sáng 22-7, QH nghe Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021. QH thảo luận tại tổ về nội dung này vào chiều cùng ngày.
Đề xuất quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại kỳ họp Ảnh: QUANG PHÚC
"Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Chính phủ cho rằng cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp tổ TP HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt là một trong những thành quả quan trọng nhất. Thẳng thắn nhìn nhận nhiều thách thức trước mắt, nhất là dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trong nước và trên thế giới, Chủ tịch nước đánh giá cao TP HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống.
"Một số đại biểu (ĐB) QH là lãnh đạo TP HCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng, nhất là khi đợt dịch lần này đã bào mòn sức lực của người dân, doanh nghiệp" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Tán thành nhận định giải pháp vắc-xin là then chốt, Chủ tịch nước đồng ý thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vắc-xin sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương nhưng thận trọng.
Đề cập cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nhận định rằng cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay. Bà Lan ghi nhận chiến lược phòng chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vắc-xin rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khóa thoát khỏi dịch bệnh, song ĐB đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua vắc-xin.
"Đến nay, hầu hết vắc-xin có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay QH họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch nhưng với chủng Delta bây giờ, đó có còn là biện pháp căn bản hay không?" - nữ ĐB là Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM băn khoăn.
Mặt khác, ĐB Phong Lan bày tỏ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong. Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế bây giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân. Nếu cứ áp dụng quy định bình thường trong tình trạng khẩn cấp thì không ổn.
Đây cũng là lo lắng của ĐB Trần Hoàng Ngân, ông bày tỏ rất buồn khi TP HCM đã có hàng trăm ca tử vong. Có vắc-xin là tốt rồi, cố gắng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính. "Nếu các nước triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn" - ĐB Ngân nói.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khó khăn nhanh hơn nữa!
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ kiên định "mục tiêu kép", thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển KT-XH.
Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
Trong báo cáo thẩm tra của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho NLĐ; thực hiện phương châm "cứu DN như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.
Thảo luận tại tổ, nhiều ĐB bày tỏ ấn tượng mạnh trước những dấu ấn của Chính phủ sau kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu.
"Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát như một thử thách đối với Chính phủ sau kiện toàn. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của Thủ tướng, luôn lặn lội, xông xáo, căng mình chống dịch. Thủ tướng đã đi vào tận tâm dịch, có những chỉ đạo rất kịp thời, xác đáng và rất linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh trong từng thời điểm" - ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu.
Tuy nhiên, ĐB Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho rằng năm 2020 và 2021 Chính phủ đều ban hành gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, là quyết sách kịp thời, quý báu giúp DN, NLĐ và các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Tuy vậy, việc giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỉ lệ giải ngân thấp. "Chúng ta cần tích cực hơn nữa. Người dân mong muốn đưa chính sách này đến với dân càng nhanh càng tốt" - ĐB An nhấn mạnh.
Hôm nay (23-7) QH thảo luận ở tổ về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 22 bộ, ngành
Sáng 22-7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình QH về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong tờ trình, Chính phủ đề nghị QH xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Quyết liệt với các dự án thua lỗ
ĐB Đôn Tuấn Phong (tỉnh An Giang) đánh giá bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm hết sức tích cực với tăng trưởng kinh tế 5,64%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, liên quan đến các dự án thua lỗ, kéo dài, ĐB mong Chính phủ cần quyết liệt giải quyết. "Dự án nào thêm đầu tư khởi động được thì tập trung nhưng dự án nào thực sự không thể vận hành được thì "đau cũng phải cắt" nếu không thua lỗ kéo dài, rất xót xa" - ĐB Phong nói.
Bình luận (0)