Ngày 2-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Cơ chế, chính sách cho vấn đề nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM theo quan điểm liên kết vùng"
Cơ hội hiện thực hóa giấc mơ nhà ở
ThS Nguyễn Anh Đào dẫn thông tin từ năm 2020 sự thiếu hụt căn hộ bình dân ở TP HCM tiếp tục kéo dài khi chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Đến năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đưa ra đã không còn căn hộ bình dân mà chỉ toàn cao cấp, sang hoặc siêu sang.
Theo ThS Nguyễn Anh Đào, dù thành phố liên tục kêu gọi, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, tuy nhiên thực tế là không mấy doanh nghiệp mặn mà với phân khúc này. ThS Nguyễn Anh Đào nhận định các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối TP HCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển bởi việc kết nối thuận tiện. "Đây là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu nhà ở xã hội của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội tại thành phố. Ngoài ra, sự dịch chuyển các dự án về các tỉnh cũng thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển nhịp nhàng cùng TP HCM" - ThS Nguyễn Anh Đào nói.
Quang cảnh hội thảo
TS Dư Phước Tân chia sẻ quan điểm tận dụng quỹ đất xung quanh Vành đai 3. Theo ông, riêng trên địa bàn thành phố có 500 ha đất nhà nước quản lý cùng 1.900 ha đất trong dân. Nhà nước có tầm nhìn từ bây giờ và quyết tâm cho nhà ở xã hội thì nên có chiến lược thu hồi và dành đất cho nhà ở xã hội.
TS-KTS Phạm Trần Hải cho rằng nếu muốn khai thác quỹ đất 2 bên đường vành đai thì cần làm tốt giao thông kết nối, đặc biệt là phương tiện vận chuyển lớn như hệ thống đường sắt, xe buýt nhanh BRT và đây là cơ sở để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị với giao thông công cộng).
Thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội
PGS-TS-KTS Trần Văn Khải cho rằng việc điều tiết thị trường nhà ở xã hội chủ yếu thực hiện thông qua các doanh nghiệp chỉ với các cơ chế hỗ trợ thì sẽ khó có nhà ở giá thấp (giá dưới 1 tỉ đồng/căn). Vì vậy, nhà nước cần tập trung vốn ngân sách đầu tư vào nhà ở cho thuê giá thấp dành cho những người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định.
Ông Trần Văn Khải cũng cho rằng TP HCM có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, thành phố liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống bảo đảm.
Dự án nhà ở xã hội Chương Dương (TP Thủ Đức, TP HCM)
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu nhiều vướng mắc khác trong phát triển nhà ở xã hội. ThS-KTS Thái Linh (Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng) cho hay theo quy định các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại dành 20% diện tích đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội và điều này khiến các chủ đầu tư rất băn khoăn vì tạo sự so sánh về chất lượng cũng như sự phân biệt đối xử. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư kiến nghị nên gom nhà ở xã hội ở các dự án vào một khu vực để phát triển độc lập, đồng bộ và dành quỹ đất cho phát triển nhà ở thương mại.
Ông Lương Thanh Phong, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, thông tin qua làm việc với Sở Xây dựng thì nhận ra bất cập khi quy định dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội. Theo ông, quỹ đất 20% ở khu trung tâm quận 1 khác rất xa với khu ngoại thành nên không thể đánh đồng về giá trị. Ngoài ra, nhu cầu sống của người ở nhà ở xã hội cũng khác với người mua nhà ở thương mại. Vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã kiến nghị thay vì xây dựng nhà ở xã hội ở quỹ đất 20% thì nên đưa vào khu phát triển nhà ở xã hội tập trung của thành phố.
Ông Phong thông tin thêm sắp tới Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội cho cả thành phố chứ không quy hoạch theo từng dự án nhỏ lẻ nữa.
Tiến độ dự án Vành đai 3 đáp ứng yêu cầu
Tại hội thảo "Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 2-12, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Đại học Fulbright, dẫn ví dụ từ Nhật Bản khi cao tốc hướng tâm và vành đai vẫn được thành phố Tokyo định hướng phát triển vì lợi ích xã hội. Ông Thành cho rằng với nước ta, việc xây dựng và đưa vào vận hành tuyến Vành đai 3 trong thời gian tới sẽ phát huy hiệu quả cao cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thông tin tại hội thảo, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết với tiến độ hiện nay của TP HCM và các tỉnh thành, dự án cơ bản đang đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, đường Vành đai 3 tạo ra động lực mới để mở rộng không gian phát triển đô thị.
T.Hồng
Bình luận (0)