Tháng 10-1975, Thành Đoàn điều tôi về Quận Đoàn Tân Bình. Quận Đoàn chuyển tôi về xã Vĩnh Lộc làm Trưởng Ban Thiếu nhi. Lúc đó xã có 79 đoàn viên, sinh hoạt trong 6 chi đoàn thuộc 7 ấp và Chi đoàn Liên Cơ. Ban ngày làm việc ở xã, tối đi bộ xuống các ấp tập hợp, sinh hoạt thiếu nhi. Đi tới đâu, ăn cơm và ngủ nhà dân tới đó. Mấy má thương hơn con đẻ.
ĐỔI THAY ẤN TƯỢNG
Trước 1975, Vĩnh Lộc là "vành đai lửa"; vùng "xôi đậu", các ấp đều có chi bộ Đảng; ngày là của quốc gia, tối là của Việt cộng. Sau ngày hòa bình, Vĩnh Lộc nghèo xơ xác nhưng tình nghĩa cách mạng vẫn sắt son. Xã không có điện, chỉ có Hương lộ 80 rải sỏi gập ghềnh ổ trâu; còn lại toàn đường đất ruộng, mưa xuống là lầy lội. Xuống ấp, cứ băng đồng cho nhanh.
Tôi vẫn không bao giờ quên những khuya mưa gió, mệt lả; ghé nhà các má. Lúc nào cũng sẵn cơm nguội. Thức ăn là con rô, con lóc rộng trong lu, nướng dầm nước mắm ớt, ngon tê lưỡi. Đầu năm 1977, tôi về Huyện Đoàn làm Phó Ban Thiếu nhi, rồi trở lại Thành Đoàn, vẫn làm công tác thiếu nhi.
Tết nào tôi cũng về lại Vĩnh Lộc, ít nhất 3-4 ngày, đi một vòng các ấp. Nhiều người cứ ngỡ tôi quê ở Vĩnh Lộc. Từ khi làm du lịch (1995), việc về Vĩnh Lộc thưa dần. Phần vì bận rộn, phần vì các má lần lượt ra đi.
Khu Di tích Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM)
Từ năm 1985, Vĩnh Lộc được chia thành 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM). Như lứa tuổi dậy thì, Vĩnh Lộc chuyển mình mạnh mẽ, bất ngờ. Vài ba năm ghé lại, hỏi toàn người lạ, cứ ngỡ lạc đường vì quá nhiều thay đổi.
Cả 2 xã đều được điện khí hóa, đường rải nhựa liên xã, có tên và số nhà hẳn hoi như Nguyễn Thị Tú, Quách Điêu, Vĩnh Lộc, Dân Công, Thới Hòa, Kênh Trung Ương… nối các ấp. Đường trong ấp trải bê tông xi măng chuẩn nông thôn mới. Xe cộ nườm nượp ngày đêm. Xưa, 2 xã có mỗi trường tiểu học. Nay có 4 trường THCS, 1 THPT. Có KCN Vĩnh Lộc nhưng nằm ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân giáp ranh.
Đất ruộng ngày càng thu hẹp. Các nhà máy xay xát biến mất. Nhà mới mọc lên như nấm. Có cả biệt thự sân vườn và "kính thưa đủ thứ dịch vụ". Trung tâm TP HCM có thứ gì, Vĩnh Lộc có thứ đó. Chưa kể nhiều dịch vụ đặc trưng vùng quê. Món ngon cả nước tràn về nhưng Vĩnh Lộc vẫn có những món riêng "bá cháy".
BUỔI HỌP MẶT KHÓ QUÊN
Mấy lần Chi đoàn Liên Cơ mời, tôi không thể dự vì kẹt đi tour. Rằm tháng 7 vừa rồi, may mắn rảnh, tranh thủ về họp mặt và thăm bà con. Rất nhiều bạn thấy quen mà không nhớ. Có người 45 năm mới gặp lại.
Miếu Dân Công trước đây xây dựng ngay ngã ba Tân Hòa 1, nay được xây mới tươm tất tại chiến trường xưa. Khu Di tích (KDT) Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc xây mới trên vùng đất thấm máu các liệt sĩ. Đền đẹp, trang nghiêm, phía trước là tượng đài Dân công Hỏa tuyến. Bên phải là hội trường nhỏ. Đền thờ có di ảnh và họ tên từng liệt sĩ.
Trong 32 liệt sĩ (25 nữ, 7 nam), đa phần mới mười tám, đôi mươi. Thắp nhang trước các di ảnh mà lòng quặn thắt, nước mắt rưng rưng, ngậm ngùi vì sự vô tâm của mình.
Bảng vinh danh 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến. Ảnh: MỸ VĂN
Tôi tự đi gặp các nhân chứng nhưng bất thành vì nhà cửa thay đổi, người mới đến không biết. Đêm về trằn trọc. Hôm sau điện thoại cho Nguyễn Thành Trí, nguyên trưởng công an xã, nhờ tìm giúp giao liên dẫn đường, từng chặng. Tôi tìm đến nhà các chị Nguyễn Thị Khỏi, Nguyễn Thị Nhanh, Hà Thị Chiều… nghe kể lại chuyện xưa. Sau Tết Mậu Thân 1968, các đoàn dân công được hình thành để chuyển thương binh, tiếp lương thực, thực phẩm lên cứ và tải đạn về.
Lực lượng không có biên chế, vũ khí là lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng. Ban ngày làm nông bình thường, đêm về thành dân công. Cứ mười bữa nửa tháng tổ chức một đoàn, chừng 40-60 người, ai khỏe tham gia, không bắt buộc, cũng không biết hết nhau. Âm thầm trong bóng đêm với trái tim rộn ràng lý tưởng.
Trang phục là bà ba đen và khăn rằn đa năng (quấn cổ, đội đầu, buộc vết thương, đựng thực phẩm cá nhân...), không mang giấy tờ tùy thân. Từ Tân Hòa 2 lên Tân Hòa 1, nhập đoàn, băng đồng, cắt bưng lên cứ vùng Đức Hòa, Đức Huệ (Long An). Bưng toàn cỏ lác, dứa dại, cạn thì ngập gối, sâu thì tận cổ. Nhiều nơi, phải đội cáng thương binh và đạn lên đầu.
Đêm 15-6-1968, đoàn dân công gồm 57 người, do 2 du kích xã dẫn đường, tải 3 thương binh nặng lên cứ. Đoàn lặng lẽ và khẩn trương. Tiếng súng vẫn ì ầm vọng tới. Hỏa châu le lói, đoàn thường dừng lại ngụy trang, tránh bị phát hiện. Trực thăng vẫn quần thảo từ xa. Đêm ấy, chúng đột ngột chuyển hướng nên trở tay không kịp.
Cả đoàn đang ở đìa Dứa, bưng Láng Sấu. Thấy mặt nước xao động mạnh, chúng pha đèn sáng như ban ngày và xả súng thảm sát đoàn dân công tay không. Tiếng kêu cứu thất thanh, tuyệt vọng. Máu loang đỏ bưng. 25 người còn sống và bị thương tìm cách về nhà trong đêm. Mãi đến chiều hôm sau, địch mới cho các gia đình lên nhận xác về mai táng. Số bị thương không dám lên cứ vì điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm, đành tự điều trị và trốn trong nhà.
Chị Nguyễn Thị Nhanh (SN 1950, ngụ xã Tân Hòa 1) kể lại: "Dân Tân Hòa 1, gần bưng, rành đường, ai cũng biết bơi, lặn nên thương vong ít hơn". Còn chị Nguyễn Thị Khỏi (SN 1949, ngụ xã Tân Hòa 2) bảo: "Lúc đó, tôi ôm gốc dứa dại, hụp xuống nước, uống nước sình bụng, ngộp quá, ngoi lên, đạn bắn rách quần áo nhưng chỉ trầy da. Mấy người biết bơi thì lặn giỏi hơn. Bạn tôi, Huỳnh Thị Điệp, ra đi để lại đứa con Huỳnh Thị Kim Chi mới 5 tuổi"...
Trời mưa như trút nước. Tôi và Bảy Mắn, đoàn viên xưa, vẫn đội mưa tìm gặp từng nhân chứng. Các anh chị đã lên chức ông bà nội ngoại. Có chị vẫn ở vậy, thui thủi một mình. Kinh tế mỗi người một khác nhưng giống nhau ở tinh thần lạc quan, xem việc đi dân công nguy hiểm năm xưa là chuyện bình thường, đương nhiên của thanh niên thời chiến. Gặp các chị, tôi cứ mãi ray rứt vì sự vô tâm của mình. Gần 30 năm làm du lịch, đi khắp các di tích, đưa khách đến viếng Ngã Ba Đồng Lộc hàng chục lần nhưng 54 năm mới đến viếng KDT Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc.
ƯỚC MONG
Để Vĩnh Lộc - xã anh hùng trong chiến đấu - phát triển bền vững, cần có những đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết căn bản việc ngập úng và xử lý rác thải, điều chỉnh quy hoạch theo thực tế. Lấy dịch vụ làm chiến lược mà du lịch là đòn bẩy. Khai thác KDT Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc thành trọng điểm du lịch truyền thống của thành phố và cả phía Nam.
Những anh chị còn sống không đòi hỏi gì cho riêng mình. Các liệt sĩ càng không. Cơ ngơi KDT như vậy là đẹp, không cần hoành tráng hơn. Cốt là ở tấm lòng và cách làm tương xứng, hiệu quả.
Người viết xin mạo muội đề xuất: Đưa KDT vào trọng điểm tham quan, giáo dục truyền thống. Khuyến khích tổ chức các nghi thức sinh hoạt truyền thống, kết nạp Đảng, Đoàn... Biên soạn tài liệu thuyết minh chính thống. Làm bảng chỉ đường từ xa vào KDT. Xây dựng lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ du khách đến tham quan. Mời các nhân chứng giao lưu, kể chuyện, sinh hoạt chung. Lập hồ sơ nhân chứng, liệt sĩ và người thân, có thông tin đầy đủ để liên lạc và chăm sóc.
Dựng lại phim tư liệu "Đêm trắng Vĩnh Lộc" để khách xem khi vào tham quan. Tổ chức sưu tầm và phục dựng hiện vật liệt sĩ và nhân chứng để trưng bày. Vận động Hội Điện ảnh, Hội Nhà văn thành phố có tác phẩm xứng tầm về dân công hỏa tuyến. Kết nối tham quan với miếu Bộ đội An Điền gần đó và các di tích vùng phụ cận.
Tổ chức các bữa ăn với nhiều món ngon Vĩnh Lộc, nhất là các món thời chiến phục vụ du khách. Có quầy bán hàng lưu niệm và các sản phẩm OCOP Bình Chánh. Mở tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố đến KDT.
Mong rằng KDT Dân công Hỏa tuyến Vĩnh Lộc và "Đêm trắng Vĩnh Lộc" có vị trí tương xứng trong dòng chảy lịch sử bi tráng của dân tộc.
Mảnh đất ghi dấu sự hy sinh
Nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM, với vị trí "đắc địa" - giáp căn cứ Vườn Thơm và căn cứ địa cách mạng Củ Chi, từng hứng chịu nhiều mưa bom, bão đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B) được mệnh danh là "vành đai lửa" ở vùng ven thành phố.
Trên mảnh đất này đã ghi dấu sự cống hiến và hy sinh dũng cảm của những cô gái Sài Gòn tuổi mười tám, đôi mươi đi tải đạn, đưa thương binh về hậu cứ điều trị.
Bình luận (0)