Hàng năm cứ vào dịp gần Tết Nguyên Đán, người dân ở các bản làng ở các xã Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ, Châu Kim, Hạnh Dịch… huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An lại đổ xô vào rừng hái chè hoa vàng.
Chè hoa vàng người dân hái từ rừng, sau khi đem về được thương lái thu mua với giá chè tươi từ 160.000-250.000 đồng/kg. Nhờ vào việc đi hái chè hoa vàng mà nhiều gia đình ở huyện miền núi này có thể có thu nhập hàng triệu đồng/ngày.
Cây chè hoa vàng mọc tự nhiên trong rừng rất nhiều tại huyện Quế Phong.
Bà Lương Thị Lan, trú xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, chia sẻ: "Cứ đến dịp gần Tết cả nhà tôi lại lại vào rừng đi hái chè hoa vàng. Công việc tuy vất vả, phải trèo đèo, lội suối đi luồn trong rừng nhưng bù lại cho thu nhập khá. Cụ thể, một người đi một ngày có thể hái được 2-3 kg chè tươi. Mỗi cân chè bán cho thương lái khoảng 160.000 đến 200.000 đồng, tính ra nhà 3 người, một ngày nếu may mắn có thể kiếm được khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Nhờ có cây chè hoa vàng, mà người dân chúng tôi đỡ khổ, có tiền mua sắm khi Tết đến Xuân về".
Chè hoa vàng sau khi được chế biến có giá khoảng 15 triệu đồng/kg.
Được biết, cây chè hoa vàng trong tiếng Thái gọi là cỏ tắp quái, là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2-5 m, rất giống cây chè ta. Cây chè hoa vàng là một loại dược liệu quý được sử dụng nhiều trong đông y để chữa bệnh. Đặc biệt, cây chè hoa vàng sinh trưởng và phát triển tốt ở các vùng núi cao, mùa ra hoa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau (âm lịch). Hoa chè có màu vàng, đỏ và trắng (đa số là màu vàng), nên được gọi là cây chè hoa vàng.
Theo người dân địa phương, trước đây cây chè hoa vàng mọc khắp nơi trong rừng. Tuy nhiên, những năm gần đây chè hoa vàng được xem là loại dược liệu quý, thương lái thu mua nhiều nên giá bán rất cao. Giá 1 kg chè hoa vàng loại 1 có giá tới 15 triệu đồng/kg, loại 2 khoảng 8 đến 10 triệu đồng/kg. Do một thời gian dài người dân đổ xô đi khai thác nên cây chè hoa vàng ngày càng ít dần. Bà Lương Thị Hoa, trú xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, cho biết: "Trước cây chè hoa vàng nhiều lắm, chỉ đi vào ven rừng là thấy. Giờ giá cao, bà con dân bản rủ nhau đi hái nhiều nên phải đi vào khu vực rừng sâu mới tìm thấy".
Sản phẩm trà hoa vàng sau khi chế biến
Trà hoa vàng sau khi chế biến có nhiều công dụng trong y học như chữa được táo bón, hạ đường huyết đối với người bệnh tiểu đường, điều trị bệnh cao huyết áp. Ngoài ra, trà còn có công dụng chữa một số bệnh về đường hô hấp…
Trà hoa vàng hiện được Công ty CP Công nghệ xanh Kim Sơn, có trụ sở ở huyện Quế Phong, Nghệ An chế biến hiện được bán rộng rãi trên các tỉnh thành của cả nước, đặc biệt, là tại Hà Nội và TP HCM, trà hoa vàng được người dân tin dùng.
Do giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây cây chè hoa vàng được một số hộ dân đem về trồng. Ảnh: Hùng Cường
Do giá trị kinh tế cao, từ năm 2016, UBND huyện Quế Phong đẩy mạnh các giải pháp nhằm bảo tồn diện tích cây chè hoa vàng sẵn có đồng thời trồng mới cây chè hoa vàng. Ông Lô Hùng Cường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cho biết: "Cây chè hoa vàng có giá trị kinh tế rất cao, hiện trong tự nhiên còn khoảng hơn 2.000 ha. Hiện chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững loại cậy dược liệu quý này".
Bình luận (0)