Một buổi sáng như nhiều buổi sáng tất bật khác, các bác sĩ (BS) và điều dưỡng đang làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân (BN), tôi thấy một thanh niên đứng sau cánh cửa, lóng ngóng ôm túi ni-lông đựng quần áo hối thúc: "Mẹ ơi, nhanh lên, nhanh lên". Quay ra nhìn con, người đàn bà lam lũ cười rạng rỡ, đáp: "Từ từ, nhà còn đó chứ có chạy được đâu, con còn nôn hơn mẹ nữa". Lúc này, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, điều dưỡng trưởng Bệnh viện (BV) Tâm thần TP HCM, nói với tôi: "Làm giấy xuất viện là món quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi muốn dành tặng cho BN và người nhà".
Dễ "ăn đòn" bất ngờ
Chị Thủy cho biết ở BV Tâm thần, điều dưỡng nữ gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp xúc với BN nam. Vì yếu thế, không đủ sức, BN nào quá kích động, họ phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp nam. Có những kíp trực, BN nhập viện "quậy", la hét suốt đêm, vừa dỗ họ ổn một chút thì BN khác lại lên cơn với những hành vi cực kỳ nguy hiểm, như tự cắn lưỡi. "Để làm ở đây, anh chị nào cũng phải rèn cho mình phản xạ nhạy bén, lúc nào cũng trong tư thế phòng vệ. Dù vậy, làm riết cũng quen, thấy thương nghề, thương BN" - chị Thủy chia sẻ.
Bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú BV Tâm thần TP HCM, thăm hỏi và kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân
Có 37 năm kinh nghiệm trong nghề, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Loan kể về những nguy hiểm mà mình và đồng nghiệp hay gặp phải là khi BN lên cơn hoang tưởng, ảo giác, nghĩ BS, điều dưỡng là người xấu rồi tấn công. Riêng sự cố kim tiêm đâm thẳng vào tay khi BN kích động, giằng co trong lúc tiêm thuốc là việc khiến không ít điều dưỡng ám ảnh; bởi nhiều BN thuộc diện bụi đời, lang thang, để bảo vệ bản thân, điều dưỡng phải sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV, rất mất sức. "Hồi mới ra trường được phân về đây, tôi rất sợ nhưng sợ riết cũng thành… quen. BN giận rất dai, họ sẽ không phản ứng lại ngay mà chờ đến khi chúng tôi mất cảnh giác, phòng trực không có ai họ mới bất ngờ tấn công. Có lần tôi bị đánh chảy cả máu mũi. Kỹ năng mà tôi học được từ nghề là chạy nhanh hơn, phản xạ tốt hơn và anh em hay nói vui là phải linh hoạt từ nói chuyện nhỏ nhẹ, ngọt ngào cho tới la hét, dùng biện pháp mạnh" - chị Loan cười vui.
Còn với điều dưỡng Phan Văn Bình, nguy hiểm nhất là BN nam nghiện chất kích thích. Họ lúc nào cũng phủ định bệnh, dùng sức chống cự, sử dụng vũ lực, không chịu uống thuốc. "Công việc này rất cực, vấn đề vệ sinh cá nhân của BN cũng vô cùng nan giải. Họ không ý thức được như người khác, nên chúng tôi phải làm thay. Tôi nghĩ, nghề này ai không yêu chắc không làm được" - anh Bình khẳng định.
Phải liên tục "vệ sinh tâm thần"
Theo anh Bình, quan trọng nhất trong nghề là phải biết tự cân bằng tâm lý, tự tạo cho mình những niềm vui để đỡ stress khi hằng ngày phải "cùng ăn, cùng ở" với người bệnh tâm thần. Đó cũng là lý do mà tại Khoa Nội trú, các BS, điều dưỡng luôn nói chuyện hài hước, tếu táo với nhau, tạo ra nhiều tiếng cười như là một phương thuốc "vệ sinh tâm thần".
Có tuổi nghề cao nhất so với các đồng nghiệp trong BV, BS Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú BV Tâm thần TP HCM, hài hước kể hết ca trực, trở về với cuộc sống thường nhật, mỗi khi gặp khó khăn trong giao tiếp, ông và đồng nghiệp thường nói đùa: "Tôi ở BV Tâm thần ra, thông cảm đi", rồi cười khì là qua chuyện. "Làm nghề này, phải vui mới sống được, chứ căng hoài là chết đó. Yêu nghề thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn khi hoàn thành nhiệm vụ, đến lúc về hưu thì tôi về trông nhà cho vợ đi làm nhưng rảnh quá chắc là lại nhớ đến BN" - BS Vương nói vui nhưng ẩn chứa bên trong là tình yêu nghề, là cái nghiệp không dễ gì vứt bỏ.
Nói về nghề, BS Trần Duy Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết từ lâu pháp luật đã quy định nghề phục vụ BN tâm thần cùng với những bệnh khác như phong, lao, da liễu, giám định pháp y... là nghề độc hại. Người làm ngành tâm thần phải chấp nhận nguy cơ vì điều kiện làm việc khá đặc biệt khi BN có thể tự gây tổn thương cho mình hoặc làm tổn thương cho người khác. Ngoài ra, họ còn gặp nguy cơ đến từ sức ép tâm thần, do bản chất công việc và cá nhân của mỗi người. Phải giữ tinh thần luôn bình ổn, nếu sức khỏe tâm thần yếu bản thân sẽ bị tác động ngược, từ đó sẽ không thể đồng cảm với bệnh nhân và dễ bị tổn thương. Cũng theo BS Tâm, đã làm nghề là phải học những kỹ năng giao tiếp hoàn toàn khác biệt, dù bị nói gì, mắng gì cũng không được lớn tiếng hay phản ứng với BN mà phải cố gắng làm dịu người bệnh.
Đừng bỏ rơi người tâm thần!
Theo BS Trần Duy Tâm, gia đình là thành tố cực kỳ quan trọng, một đồng minh của BV và BS trong việc giúp BN điều trị phục hồi. Đối với BN tâm thần nặng, mất năng lực hành vi, việc chăm sóc bản thân, uống thuốc đều phải dựa vào gia đình. "Người nhà nên quan tâm đến BN nhiều hơn, chăm sóc, cho uống thuốc đầy đủ khi ở nhà. Lúc đưa vào BV, hãy hợp tác với BV, khi BN ổn định thì đến đón về. Có một số trường hợp đưa BN vào BV, điều dưỡng hay BS gọi điện thoại trao đổi bệnh tình của BN thì người nhà không nghe máy, BN ổn định cũng không đón về, rất tội nghiệp. Tuy bệnh nhưng BN vẫn ý thức về gia đình, muốn có người thân bên cạnh chăm sóc và được về với gia đình" - BS Tâm nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-10
Bình luận (0)