xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì dân, họ đã hy sinh ở thủy điện Rào Trăng

QUANG TÁM - QUANG LUẬT

Trước khi hy sinh khi đang trên đường tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng, họ luôn lo cho công việc của người dân trước, việc nhà mình tính sau và luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ

Ngày 16-10, rất đông người tụ về căn nhà cấp 4 nép mình bên dòng sông Bồ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) của gia đình ông Nguyễn Văn Bình (SN 1978, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, một trong 13 người hy sinh khi đang trên đường tìm kiếm 17 người mất tích ở thủy điện Rào Trăng).

"Tôi phải lên Rào Trăng 3 gấp"

Mưa, nước sông Bồ cuồn cuộn chảy. Nơi ông Bình gặp nạn cũng là thượng nguồn sông Bồ, nơi con sông nhỏ Rào Trăng đưa nước từ dãy Trường Sơn hòa vào. Quãng đường từ thủy điện Rào Trăng 3 về nhà ông Bình, nếu không bị ngăn cách bởi những con đập thủy điện thì chỉ tầm 1 giờ xuôi theo dòng nước. Nhưng phải mất 3 ngày mới đưa được ông về nhà.

Phong Điền là huyện xa nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách tỉnh Quảng Trị qua con sông Ô Lâu. Những ngôi làng dọc con sông ấy qua 2 xã Phong Bình, Phương Chương, vốn thấp trũng, chưa mưa đã ngập.

Vì dân, họ đã hy sinh ở thủy điện Rào Trăng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình (thứ 2 từ phải qua) thăm hỏi người dân trong đợt lũ lụt vừa qua Ảnh: NHẬT LUẬT

Sáng 12-10, sau nhiều ngày mưa lũ, hàng trăm hộ dân làng Vân Trình (xã Phong Bình) bị cô lập. Ông Bình đứng ngồi không yên, liên tục điện thoại về xã nắm tình hình. Sáng sớm, ông quyết định cùng với một số cán bộ huyện dùng ghe gắn động cơ, ngược dòng nước lũ Ô Lâu, chở theo rất nhiều sữa, mì tôm, nước uống cứu trợ dân.

Trưa hôm ấy, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ qua điện thoại, ông Bình nói: "Tôi đã cố hết sức để đến với dân nhưng nguy hiểm quá, suýt lật ghe mấy lần nên quay lại. Cũng may trước lũ thì xã đã đưa vài tấn gạo, mì tôm về cho dân, họ sẽ cầm cự được thêm 3-4 ngày. Tôi gửi lại hàng cứu trợ nhờ xã đưa vào cho dân khi điều kiện cho phép. Giờ tôi phải lên Rào Trăng 3 gấp".

Ông Bình đã cùng 20 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND huyện Phong Điền lên đường cứu nạn 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3. Và từ đó, điện thoại của ông không còn liên lạc được nữa...

Đến ngày 15-10, thi thể của ông Bình mới được tìm thấy tại khu vực sạt lở Trạm Kiểm lâm 67.

Ông Trịnh Đức Hùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (nghỉ hưu từ tháng 8-2020), cho biết từ ngày nhậm chức, ông Bình rất bận rộn, ít khi cùng ăn cơm với gia đình. Ban đầu là chống dịch Covid-19, tiếp đó là cơn bão số 5. "Hôm lũ về lớn, tôi điện thoại hỏi tình hình nhà cửa sao rồi, Bình nói vừa kê giường lên cao cho mẹ, dặn dò vợ thu xếp việc gia đình, lo cho bà và các con, sau đó thì về với người dân. Khi nhận được tin xấu, tôi đến, nhà Bình còn đầy bùn lầy" - ông Hùng rưng rưng kể.

Nhà ngập, con ốm để vợ lo

Sáng 16-10, trong con hẻm 187 Hùng Vương, phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi gia đình thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (SN 1986, Trưởng Ban Công binh Phòng Tham mưu - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) sinh sống, vẫn ngập nước mưa. Người nhà bắt đầu dựng rạp, dùng mái tôn che chắn để chuẩn bị hậu sự cho thiếu tá Phúc.

Ông Lê Văn Hùng, cậu ruột thiếu tá Phúc, cho hay anh có vợ là giảng viên tại một trường cao đẳng và 2 con 6 và 2 tuổi. Là Trưởng Ban Công binh, thiếu tá Phúc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các vùng hiểm yếu suốt mùa lũ. Căn nhà nhỏ bị nước lụt đến gần ngực, anh đành giao lại cho cha mẹ già cùng vợ xoay xở.

"Công việc của Phúc bận lắm, 1 tuần hay 10 ngày chưa chắc đã về nhà một lần. Hôm 11-10, gặp tôi, Phúc chào và nói mới đi làm về. Liền sau đó, tôi thấy nó lấy xe đi, bảo là có công việc gấp" - ông Hùng buồn bã nói khi tự tay chuẩn bị đám tang cho cháu.

Cũng buổi chiều hôm ấy, anh Phúc có lịch hẹn bác sĩ sau giờ làm việc sẽ đưa con đi khám do cảm sốt. Nhưng có lệnh điều động của đơn vị, anh đành hủy hẹn, thu xếp vài bộ quần áo lên đường và mất liên lạc sau đó. 

Con người cương trực

Ngày 13-10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở một tài khoản kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ con của ông Phạm Văn Hướng, SN 1968, Trưởng Phòng Thông tin và Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế. Ông Hướng là một trong 13 cán bộ hy sinh ở Trạm Kiểm lâm tiểu khu 67. Ông qua đời để lại 2 người con sống nương tựa vào nhau, trong đó người con đầu đang học đại học, người con thứ 2 học lớp 12.

Năm 2019, cư dân khu chung cư thu nhập thấp Xuân Phú, phường Xuân Phú (TP Huế), nơi cha con ông Hướng sinh sống, bức xúc khi chủ đầu tư đặt ra nhiều khoản thu quá cao và vô lý. Ông đã đứng ra đại diện để đấu tranh, đòi quyền lợi cho người dân. Từ tài liệu của ông, Báo Người Lao Động đã phản ánh và UBND TP Huế sau đó thành lập đoàn thanh tra liên ngành, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các khoản thu đúng theo quy định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo