Bộ GTVT ngày 2-9 vừa ra văn bản cảnh cáo hai nhà thầu là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện do thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm xử lý các phát sinh; vi phạm tiến độ hợp đồng dự án cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài. Văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký yêu cầu hai nhà thầu trên khắc phục các tồn tại, tập trung nguồn lực để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuyệt đối an toàn. Ban Quản lý dự án Thăng Long có trách nhiệm quản lý hợp đồng đúng quy định và kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng hợp đồng.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỉ đồng, thi công theo lệnh khẩn cấp, dự kiến cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022 (Ảnh chụp vào tháng 4-2021) - Ảnh: Dương Ngọc
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bách Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, cho biết trong Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường lăn, đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các thiết bị đèn hiệu, biển báo, phần mềm đã và đang được lắp đặt vận hành tại 2 sân bay đều được hãng ADB-Safegate (một trong những hãng cung cấp thiết bị sân bay hàng đầu thế giới của Bỉ) trúng thầu cung cấp. Nhà thầu Khánh Thiện là Đại diện cung cấp thiết bị của hãng ADB-Safegate tại Việt Nam.
Các thiết bị đèn hiệu, biển báo của dự án đều là thiết bị đặc chủng và phải đồng bộ với cấu hình, đặc thù của sân bay nên khi có thiết kế, nhà thầu mới tiến hành đặt hàng.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên thế giới nên chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu bị gián đoạn, giãn hoặc bị hạn chế, nhất là trong lĩnh vực hàng không. Chính vì vậy quá trình đặt hàng, sản xuất và vận chuyển thiết bị của Dự án về Việt Nam chậm hơn theo tiến độ ban đầu. Tuy nhiên, nhà thầu Khánh Thiện đã chậm báo cáo, dẫn đến Công ty ADCC chậm điều chỉnh thiết kế nên ảnh hưởng chung đến tiến độ theo kế hoạch của dự án.
"Thực tế đây cũng có thể xem như một lý do khách quan, Tuy nhiên vì là dự án có tính cấp bách và có tầm quan trọng lớn nên khi nhà thầu chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng thì việc nhắc nhở, cảnh cáo là những hoạt động thông thường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và với những doanh nghiệp có uy tín, đây cũng có thể được xem như là một lời nhắc nhở "rất nghiêm khắc""- ông Tùng nhận định.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỉ đồng, được khởi công từ ngày 29-6-2020, hoàn thành và bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1-1-2021 đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.
Hiện nay, dự án đang triển khai thi công bước 2; Nghiệm thu đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn trong tháng 8-2021, khai thác từ ngày 9-9-2021. Triển khai thi công đường cất hạ cánh 1A từ ngày 1-10-2021, cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022, đáp ứng tiến độ tổng thể của dự án.
Theo kế hoạch, ngày 15-7 sẽ đưa vào khai thác đường cất hạ cánh 1B và 1-8 đóng cửa đường cất hạ cánh 1A để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, kịp hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 31-12. Tuy nhiên do thiết bị về chậm nên dự kiến 9-9 mới đưa vào khai thác được đường cất hạ cánh 1B và 1-10 mới đóng cửa đường cất hạ cánh 1A để nâng cấp, chậm 2 tháng so với yêu cầu.
Trước đó, sau khi Bộ GTVT cảnh cáo hai doanh nghiệp này, đã có nhiều thông tin nghi vấn về năng lực, khả năng tài chính cũng như việc trúng thầu của các doanh nghiệp này. Đại diện Bộ GTVT đã cung cấp thông tin thêm về hai doanh nghiệp này
Về công ty ADCC
Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không(ADCC) được thành lập từ ngày 6-11-1990, đến nay đã có 31 năm kinh nghiệm.
Tại Việt Nam, Công ty ADCC là doanh nghiệp được đánh giá là Doanh nghiệp hàng đầu về tư vấn và thiết kế trong lĩnh vực xây dựng hàng không dân dụng và hàng không quân sự.
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, ADCC đã trúng thầu các Dự án của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các Dự án lớn khác như Dự án sân bay Vân Đồn, sân bay Lào Cai, Sân bay Quảng Trị… Công ty cũng tham gia các công trình hàng không quân sự, thiết kế các công trình quốc phòng. Công ty cũng đã tư vấn xây dựng các sân bay Atapeu và NongKhang tại Lào, sân bay Tripoli tại Lybia;
Công ty ADCC có một đội ngũ kỹ sư được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước trong lĩnh vực hàng không. Đội ngũ kỹ sư này đông đảo nhất và có trình độ cao so với mặt bằng chung các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Với một đơn vị tư vấn, nguồn lực lớn nhất là con người, kinh nghiệm và công nghệ. Song, công ty ADCC cũng có một nguồn tài chính mạnh trong các đơn vị tư vấn ở Việt Nam. Mặc dù Nhà nước không bố trí vốn điều lệ nhưng hiện nay ADCC có vốn chủ sở hữu khoảng 40 tỉ đồng, tổng tài sản 186,6 tỉ đồng, nguồn tiền mặt và cơ sở vật chất vững chắc.
Các thông tin nêu lên tổng nợ phải thu là 146,7 tỉ đồng là con số đúng nhưng con số này chủ yếu là tiền tạm ứng của các công trình chưa được thanh, quyết toán. Khi chủ đầu tư thanh, quyết toán công trình thì con số này sẽ giảm xuống. Công ty ADCC không phải vay ngân hàng để hoạt động nên tỷ số nợ phải thu/vốn chủ sở hữu không ảnh hưởng đến hoạt động của ADCC;
Về Công ty Khánh Thiện
Công ty Khánh Thiện là một doanh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cung cấp thiết bị của ngành hàng không (và các lĩnh vực khác như thiết bị viễn thông, tín hiệu giao thông…). Nhà thầu Khánh Thiện là đại diện cung cấp thiết bị của hãng ADB-Safegate tại Việt Nam (một trong những hãng cung cấp thiết bị sân bay hàng đầu thế giới của Bỉ) .
Trong Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường lăn, đường cất hạ cánh ở 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 dự án được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện theo lệnh khẩn cấp (vừa thiết kế, vừa thi công và được quyền giao thầu), các thiết bị đèn hiệu, biển báo, phần mềm đã và đang được lắp đặt vận hành tại 2 sân bay này đều được hãng ADB-Safegate trúng thầu cung cấp.
Đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, sự hoạt động đồng bộ giữa các thiết bị là cực kỳ quan trọng, là yếu tố then chốt và được xem như là một yêu cầu kỹ thuật bắt buộc (Không thể có thiết bị của hãng A mà phần mềm điều khiển của hãng B và ngược lại). Chính vì vậy, trong Dự án khẩn cấp này, Bộ GTVT đã quyết định giao thầu cho Công ty Khánh Thiện. Và theo hồ sơ năng lực thì Khánh Thiện cũng đã tham gia nhiều gói thầu trong cùng lĩnh vực. Quá trình giao thầu này, Bộ GTVT cũng rà soát một cách cẩn trọng tất cả các đơn vị trong lĩnh vực và kéo dài trong vòng 5 tháng.
Bình luận (0)