Ngày 19-12, được sự ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề có liên quan đến dự án "Đền tưởng niệm người có công của tỉnh Kiên Giang".
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức lễ khởi công dự án vừa qua
Ông Hà Văn Thanh Khương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết dự án này do UBND TP Rạch Giá được giao làm chủ đầu tư. Trước đây, vị trí xây ngôi đền được quy hoạch công viên để phục vụ người dân địa phương cũng như khách du lịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương muốn tạo điểm nhấn bên trong công viên nên thực hiện công tác xã hội hóa để xây dựng nên ngôi đền tưởng niệm cùng với một số hạng mục khác. Trong đó phần diện tích xây đền chỉ chiếm 1,8% diện tích, tương đương khoảng 500m2 nên vẫn đảm bảo là công viên theo quy hoạch ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Hôn, Phó Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, cho biết trong tổng số 3,4ha đất này thì có 2/3 diện tích là đất mặt nước ven biển và phần còn lại thuộc vùng bãi bồi. Do đó, một doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang đứng ra nhận tài trợ phần sang lấp mặt bằng. Riêng phần xây dựng đền cùng nhiều hạng mục khác có liên quan do một doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và Ninh Bình tài trợ với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Dự án được thiết kế ngay vị trí có 4 mặt đường chính tiếp giáp với bến tàu Phú Quốc, Khu đô thị lấn biển Tây Bắc và nằm trên phường Vĩnh Thanh thuộc trung tâm TP Rạch Giá. Trong đó diện tích các công trình xây dựng khoảng trên 2.000m2 với nhiều cụm công trình như nhà tưởng niệm, nơi thờ phượng, hồ nước, cầu, đường, cây xanh, công viên, tường rào...với tổng giá trị ước tính khoảng 400 tỉ đồng (chưa tính giá trị đất) bằng nguồn tài trợ xã hội hóa. Các công trình và dự án này được Trường ĐH Kiến trúc TP HCM thiết kế và dự kiến khánh thành vào khoảng tháng 6-2021.
"Trước đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã chọn xây dựng ngôi đền này ở vùng U Minh Thượng và một số nơi khác trong tỉnh nhưng đều thấy không phù hợp. Sở dĩ tỉnh chọn nơi này để xây dựng ngôi đền là vì gần khu vực đình Nguyễn Trung Trực để tạo nên quần thể của khu di tích lịch sử kết hợp vui chơi giải trí. Về tiêu chí xét chọn người có công để đưa vào khu đền này thì UBND tỉnh cũng đang thành lập tổ nghiên cứu cũng như lấy ý kiến rộng rãi từ phía các chuyên gia và người dân"- ông Hôn khẳng định.
Còn theo ông Lâm Văn Sển, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, mục đích của việc Kiên Giang đi đến quyết định xây dựng ngôi đền này nhằm tưởng niệm những người có công khai phá, các anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ và những người có công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển vùng đất Kiên Giang qua các thời kỳ. Qua đó, giáo dục truyền thống, nhắc nhở thế hệ sau hiểu biết về truyền thống lịch sử hào hùng, anh dũng của quê hương. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân thế hệ đi trước, hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước để từ đó ra sức giữ gìn, vun đắp và xây dựng tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới.
Bình luận (0)