Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Chuyển (hiện ngụ tại đường Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng) kể cho tôi nghe câu chuyện này vào dịp ông về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Sư đoàn 2, Quân khu V. Hồi ức của người lính già khiến tôi thấm thía một điều rằng tinh thần nhân văn của người Việt Nam, ngay cả giữa trận tiền vẫn không chỉ lạnh băng nhìn kẻ thù qua đầu súng…
Loạt đạn vô tình
Đó là ngày 11-6-1971, ông Chuyển kể… Bối cảnh bấy giờ là sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đơn vị tôi (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu V) được lệnh phối hợp với Quân giải phóng Lào giải phóng cao nguyên Bolovel… Dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ, quân ngụy của Lào và lính đánh thuê Thái Lan điên cuồng phản kích hòng giành lại các vị trí chiến lược đã mất. Gần 1 tháng trời, thế giằng co diễn ra quyết liệt…
Chiều ngày 11 tại khu vực bản Y Tu, chúng lại tràn lên nhưng rồi như mọi lần cũng phải rút lui. Thừa thắng, chúng tôi xông lên truy kích. Đang đà chạy, một gã lính Thái Lan từ đâu bỗng tạt ngang trước mặt. Điên tiết, tôi lia cho hắn ta một điểm xạ. Tưởng chỉ bắn hú họa, vậy mà hắn cũng bị dính đạn vào đùi. Thấy tôi đi đến hắn nhìn trân trối, đinh ninh là sẽ bị một phát súng kết liễu vào đầu, chẳng ngờ lại thấy tôi ngồi xuống lấy bông băng ra. Trước cử chỉ tưởng chừng không thể tin được ấy, hắn lập cập thò tay vào túi lôi ra chiếc đồng hồ và một nắm đôla Mỹ ấn vào tay tôi. Tôi mỉm cười gạt đi. Gật đầu tỏ vẻ "hiểu rồi", hắn đưa tay chỉ vào chiếc bi đông nước tôi đang đeo bên sườn… Mùa khô ở rừng Lào, nước uống với chúng tôi là thứ gắn liền với sinh mạng. Cả ngày quần nhau với địch, tôi chỉ còn chừng nửa bi đông. Dù đang khát cháy cổ nhưng để đề phòng trận đánh có thể còn kéo dài, tôi vẫn cố để dành.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Chuyển (bìa trái) và ông Xaraphot Ratdara tại chùa That Luang. (Ảnh do ông Chuyển cung cấp)
Nhưng hắn ta đang bị thương, tôi hiểu cơn khát của hắn. Tháo nắp bi đông, tôi rót đầy đưa vào miệng hắn. Liếm cặp môi phồng rộp, hắn ực ngay một hơi. "Cho mày cầm cự thế đã, tao đang khát bỏng cổ mà không dám uống đây" - tôi thầm nói và xách súng đứng lên. Nhưng vừa dợm bước, hắn ta lại "ớ" lên một tiếng, tay chỉ lia lịa vào chiếc bi đông. Không đành lòng, tôi lại rót đầy cho hắn một nắp nữa. Lại ực một hơi và vẫn không dịu nổi thèm thuồng… "Đang khát cháy cổ, chút nước ấy với hắn khác nào rơi xuống sa mạc". Ngần ngừ một thoáng, tôi đưa luôn cả bi đông cho hắn…
Nhìn quanh, thấy anh em đã tiến xa về phía trước. "Đang bị thương lại đói khát, một mình giữa chốn quạnh vắng này, không ai nhìn thấy thì hắn ta chết mất" - nghĩ vậy tôi quyết định cõng hắn đến bìa rẫy cà phê gần bản. Chiều nay quân ta rút đi, thế nào lính Thái cũng quay lại "tái chiếm", hoặc là dân trong bản ai đó trở về sẽ thấy hắn ta…
Cuộc gặp gỡ bất ngờ sau 40 năm
Trải hàng chục trận đánh nữa tôi mới được trở về cuộc sống đời thường. Bao nhiêu kỷ niệm thiêng liêng của một thời vào ra sinh tử chất đầy tâm tưởng nên chuyện cứu mạng anh chàng lính Thái năm nào đã phai nhạt trong tôi… Ngày 24 -6-2011, Hội Cựu chiến binh Trung ương Lào mời các cựu chiến binh sư đoàn hiện đang sống ở Đà Nẵng sang thăm chiến trường xưa.
Trở lại miền đất đã từng thấm máu bao đồng đội, lớp lớp ký ức một thời trận mạc cứ trào dâng trong tôi. Sau khi thăm hết mọi nẻo chiến trường, chúng tôi trở về Vientiane và đến viếng chùa That Luang. Cầm nắm nhang trong tay, đang chìm đắm với những cảm xúc tâm linh, tôi bỗng nghe sau lưng ai đó hỏi bằng tiếng Lào: "Trong số các ngài đây, có vị nào tham dự trận đánh ngày 11-6-1971 ở khu vực bản Y Tu, cao nguyên Bolovel không ạ?". Quay lại, trước mắt tôi một người đàn ông cao mập, đầu đội mũ lưỡi trai, phong thái như một người đi du lịch. Chưa hiểu ông ta hỏi với mục đích gì nên tôi chần chừ một thoáng, nhưng rồi vẫn trả lời: "Có, tôi là người từng tham dự trận đó".
- "Vậy ngài có biết, ai đã cứu mạng một người lính Thái trong trận đó không?"
Như có luồng điện chạm vào, dòng ký ức năm nào bấy giờ mới lóe lên trong tôi. "Chẳng lẽ đây lại là…". Tôi nhìn chằm chằm vào ông ta và cố nén sự hồi hộp trả lời: "Người đó chính là tôi đây!". Ngây ra vì sửng sốt, nhưng rồi với vẻ thận trọng, ông ta đòi tôi kể lại ngày giờ, vị trí, diễn biến sự việc… Khi nghe kể xong, ông ôm lấy tôi nhấc bổng lên rồi hét một dọc chói tai: "Trời ơi, tôi đã tìm thấy người cứu mạng mình đây rồi!".
Xaraphot Ratdara - người lính Thái Lan trong trận đánh ấy - bây giờ là Thiếu tướng Xaraphot Ratdara, chỉ huy Trung tâm Liên kết các quốc gia láng giềng quân đội Hoàng gia Thái Lan đã nghỉ hưu. Kéo tôi đến bên hành lang chùa, ông kể tôi nghe diễn biến của cuộc đời mình… Tối hôm đó sau khi đơn vị tôi rút đi, quân Thái trở lại "tái chiếm" bản Y Tu và đã tìm thấy Xaraphot. Đời trận mạc, thoát chết một lần như chim sợ cành cây cong, Xaraphot đi coi bói xem số phận mình rồi sẽ thế nào. Ông thầy bói phán: Nhờ một người cứu mạng, từ nay ngài không những không chết mà còn làm quan to. Có điều phải luôn nhớ ơn người đó. Giật thột không hiểu vì sao ông ta lại nói đúng chuyện được cứu mạng, tuy nhiên vẫn còn bán tin bán nghi, Xaraphot lặng lẽ chiêm nghiệm. Quả nhiên từ đó ông liên tục thăng tiến. Càng tin, Xaraphot tìm lại ông thầy bói và hỏi: Người cứu mạng tôi bây giờ còn sống không, còn có dịp gặp nhau không? Ông ta khẳng định còn sống, và nhất định sẽ có ngày gặp lại ân nhân…
- Bắt đầu từ hôm đó, cứ gặp người Việt nào ở Thái Lan là tôi lại dò hỏi - Xaraphot kể - đặc biệt là từ ngày về hưu, có dịp đi du lịch nhiều. Tuy nhiên, tìm ngài mà tên tuổi, quê quán, đơn vị tôi đều không hay biết thì còn khó hơn mò kim đáy biển. Biết vậy nhưng tôi vẫn không nản. Một người có trái tim nhân hậu như ngài thì đạn bom nào giết nổi.
Chúng tôi vỗ vai nhau cười vui vẻ, rồi Xaraphot đến gặp anh em trong đoàn, nói: "Hôm nay là một ngày vui sướng nhất cuộc đời tôi. Để thỏa niềm vui ấy, tôi muốn mời tất cả các ngài sang du lịch Thái Lan một chuyến. Toàn bộ chi phí tôi xin phép được đài thọ, gọi là chút trả nghĩa cho ân nhân của tôi và cũng là tất cả các ngài". Tôi bảo Xaraphot việc này chúng tôi phải được phép của đại sứ quán. Xaraphot sốt sắng: "Tôi sẽ đến gặp đại sứ xin phép cho các ngài. Với câu chuyện hiếm có này, tôi tin ngài đại sứ sẽ đồng ý thôi".
Đúng là hôm sau Xaraphot đến đại sứ quán ta ở Lào kể lại câu chuyện và xin phép cho chúng tôi. Tuy nhiên theo lịch trình, trưa hôm đó đoàn đã phải về nước. Từ hôm ấy đến nay, Xaraphot cứ gọi điện nhắc hoài lời mời. Hiểu tình cảm chân thành của ông nhưng nói thật là tôi cũng rất ngại chuyện ơn nghĩa ấy. Tuy nhiên, nếu không nhận lời thì chắc ông ấy cũng chẳng để cho yên…
Người cựu binh già kết thúc câu chuyện vừa lúc tiếng kẻng báo thức vang lên. Chiều nay, ông phải giao lưu với anh em chiến sĩ…
Hộp thưnhận bài
Cuộc thi viết "Từ trong ký ức" lần 2, năm 2021-2022 vừa được Báo Người Lao Động phát động. Thông tin chi tiết về thể lệ, mời bạn viết xem báo điện tử tại địa chỉ: https://nld.com.vn/ban-doc/the-le-cuoc-thi-viet-tu-trong-ky-uc-lan-2-20210731102008019.htm
Bài dự thi và ảnh kèm, vui lòng gửi qua email: tutrongkyuc@nld.com.vn và tutrongkyuc2021@gmail.com; nếu là bản in, gửi về: Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; ngoài bì thư ghi rõ: Bài tham gia cuộc thi viết "Từ trong ký ức" 2021-2022.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)