Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết dự thảo thay thế Quyết định 74/2008 của UBND thành phố về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè có nhiều điểm mới.
Nghiên cứu kỹ
Theo ông Ngô Hải Đường, dự thảo quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý, người sử dụng lòng đường, vỉa hè. Văn bản này cũng đặt ra nhiều giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, bố trí các tiện ích, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng…
TP HCM cần vừa phát triển vừa giữ được bản sắcẢnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, điểm mới của dự thảo là có 10 nhóm đối tượng sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè sẽ đóng phí. Với nhóm này, Sở GTVT xây dựng Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè.
Trong quá trình xây dựng đề án, Sở GTVT đã chuẩn bị kỹ lưỡng, kế thừa Quyết định 74, căn cứ các quy định pháp luật, tham khảo Đề tài nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn thành phố của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cùng ý kiến đóng góp của nhà khoa học, chuyên gia cũng như ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ thành phố. Quan điểm là vỉa hè dù hẹp hay rộng vẫn ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5 m, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Trước một số ý kiến phản đối vì lo ngại việc cho thuê vỉa hè sẽ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và quy hoạch chung của thành phố, ông Ngô Hải Đường cho rằng mục tiêu chính của đề án nhằm từng bước đưa việc sử dụng, quản lý vỉa hè, lòng đường vào nền nếp, công khai, minh bạch và không triển khai đại trà. Chỉ triển khai trên những tuyến đường đủ điều kiện về bề rộng vỉa hè, bảo đảm an toàn cho người đi bộ.
"Về băn khoăn trong công tác quản lý, giám sát việc thu phí làm sao tránh tình trạng thất thoát, đề án sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin như dùng phần mềm để thu phí, giám sát thực hiện qua camera" - ông Ngô Hải Đường thông tin.
Không thể chối bỏ kinh tế vỉa hè
Trong báo cáo tóm tắt Đề tài nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nhận định các hoạt động trên vỉa hè tại thành phố rất đa dạng và sống động. Điều này làm nên sức sống và là nét văn hóa độc đáo cho một đô thị. Nếu vỉa hè chỉ có người đi bộ mà không có hoạt động nào khác, thành phố sẽ trở nên nhàm chán và thiếu thân thiện.
Dựa trên quan điểm này, nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp sao cho các hoạt động trên những vỉa hè rộng tại TP HCM được diễn ra mà không ảnh hưởng đến chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ.
Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng phần lớn hành vi lấn chiếm vỉa hè tại thành phố tập trung nhiều ở nhóm bán hàng rong, các đô thị lớn như Hồng Kông (Trung Quốc) cũng phải mất nhiều thập kỷ mới giảm được số lượng hàng rong nhờ thay đổi thói quen người sử dụng. Cần nhấn mạnh vỉa hè và hàng rong là vấn đề vượt ngoài phạm vi cơ sở hạ tầng, quản lý đơn thuần mà là vấn đề văn hóa, việc làm, thu nhập và thói quen sử dụng... Do đó cơ quan chức năng nên nhìn nhận và thay đổi nhận thức về bản chất của vỉa hè cũng như vai trò của hàng rong và lồng ghép yếu tố này vào quá trình quy hoạch. Trước mắt, thành phố cần quy hoạch tốt các không gian hoạt động cho người bán hàng rong, song song đó là chính sách hỗ trợ để chuyển đổi hàng rong di động sang cố định.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, việc xây dựng trật tự và văn minh đô thị là quá trình lâu dài, không nôn nóng, không ảo tưởng mà phải xuất phát từ bối cảnh thực tế của thành phố. Mỹ quan hay văn minh đô thị tại TP HCM không thể so sánh với các nước phát triển vì TP HCM rất khác các thành phố phát triển về nhiều yếu tố.
Đồng thuận vì quản lý hợp lý
Trong những bài báo trước, song song với các góp ý để việc quản lý lòng đường, vỉa hè tốt, Báo Người Lao Động cũng phản ánh những mô hình được cho là hiệu quả hiện nay. Lần này, chúng tôi tới phường 1, quận 3, khu vực chung cư Nguyễn Thiện Thuật từng được xem là một trong những điểm khá phức tạp về trật tự đô thị. Giờ đây, nơi này dần chuyển hóa, tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường được kéo giảm.
Xếp gọn chiếc xe máy cho khách, anh Huỳnh Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ chung cư Nguyễn Thiện Thuật) kể trước đây khi chưa có những vạch kẻ màu vàng dưới đường, khu vực luôn trong tình trạng ngột ngạt, người dân đi lại khó khăn bởi hành vi buôn bán, trông giữ xe vô kỷ luật. "Bây giờ giữ xe, buôn bán gì thì cũng phải đúng nơi quy định. Phường đã kẻ sẵn những vạch sơn, người dân phải tuân theo. Làm sai là bị nhắc nhở ngay vì có camera lập tức báo về phường" - anh Tuấn kể.
Để kiểm chứng, phóng viên dạo một vòng các tuyến đường gần đó và xa hơn nữa thì thấy các hoạt động mua bán, trông giữ xe dù nhộn nhịp nhưng mọi thứ đều gọn gàng, các phương tiện thuận lợi lưu thông.
Tương tự, xung quanh chung cư SCREC (phường 12, quận 3) cũng có những chuyển hóa rõ rệt về trật tự đô thị. Dạo một vòng các tuyến đường quanh chung cư này, phóng viên ghi nhận có rất nhiều quán cà phê, ăn sáng hoạt động náo nhiệt. Phía trước quán, xe máy của khách xếp hàng ngay ngắn.
Những chuyển biến tích cực quanh 2 chung cư trên là một trong những kết quả mà UBND quận 3 đạt được sau khi tổ chức thực hiện quản lý và sắp xếp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn trong năm 2022.
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 3, khi triển khai kế hoạch, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng UBND quận 3 cũng như các đoàn thể chính trị quận đều rất nỗ lực. "Sau khi thực hiện, tình hình trật tự đô thị và quản lý lòng lề đường có sự chuyển biến tích cực, các cửa hàng kinh doanh, trông giữ xe được sắp xếp quy củ, bảo đảm trật tự và an toàn... Các vỉa hè được sửa chữa, thay mới sẽ làm tiền đề để quận 3 khai thác và phát triển kinh tế - xã hội" - người đại diện này nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2
Cần nghĩ xa hơn
Ngày 16-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan điểm chấn chỉnh lại các hoạt động sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.
Đề án mới về quản lý lòng đường, vỉa hè mà TP HCM đang xây dựng được kỳ vọng khắc phục những bất cập hiện hữu trong lĩnh vực đô thị và theo ông Phan Văn Mãi, xử lý trách nhiệm cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý trách nhiệm thôi thì chưa đủ.
"Vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao" - ông Phan Văn Mãi nói. Theo ông, sẽ có những nơi chỉ được dùng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác. Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra.
Thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè tại từng nơi. Nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng không đúng sẽ có cơ sở để xử lý. "TP HCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh thêm.
Thêm một góc nhìn được Chủ tịch Phan Văn Mãi đề cập là hoạt động bán hàng rong, kinh tế trên vỉa hè. Theo đó, hoạt động này có thể coi là một nét văn hóa, mang lại nguồn lực cho địa phương. Vì vậy, cần có hình thức nào đó cho hoạt động này. Ví dụ như việc tổ chức không gian, thời gian hoạt động...
Chia sẻ câu chuyện rất nhiều người, kể cả người có tiền, có học vấn, thích uống cà phê bệt, cà phê vỉa hè, Chủ tịch UBND thành phố nói đó là điểm đặc biệt, là bản sắc chứ không đơn thuần là chuyện uống cà phê bình thường. "Nếu nhìn góc độ nào đó, hoạt động bán hàng rong có thể coi là một bản sắc của thành phố. Bản sắc đó chỉ phát huy nếu được tổ chức kỹ lưỡng lại" - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Đối với khó khăn về nguồn lực, nhân sự được các địa phương nêu ra về vấn đề quản lý lòng đường, vỉa hè, người bán hàng rong..., Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho rằng các đơn vị cần nghĩ xa hơn và tính đến hình thức quản lý khác. Quan điểm "một người đi quản lý một người" cần được loại bỏ.
Bình luận (0)