Ngày 7-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin về việc công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam với các nước, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết tính đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 19 nước.
Các nước bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Mới đây, ngày 4-4, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam và dự kiến từ ngày 15-4 sẽ tiến hành cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vắc-xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 điện tử.
Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vắc-xin; sản phẩm vắc-xin; nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc-xin; mã số của chứng nhận. Bản chất của hộ chiếu vắc-xin điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-Covid hiện nay, chỉ khác là mã hộ chiếu này sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin khi ra nước ngoài.
Quy trình cấp hộ chiếu vắc-xin gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận hộ chiếu vắc-xin.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp hộ chiếu vắc-xin.
Bình luận (0)