Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam thể hiện chính sách đối ngoại chủ động, qua đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, cũng như cho hòa bình và an ninh khu vực.
Trở thành tâm điểm của thế giới thông qua tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi không ít về nhiều mặt, thậm chí có thể nhiều hơn nước chủ nhà Singapore của sự kiện này lần đầu tiên hồi tháng 6-2018.
Câu chuyện của Singapore
Khi đó, chính phủ Singapore cho biết họ tốn khoảng 20 triệu SGD (gần 343 tỉ đồng) cho công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Tuy nhiên, Công ty Nghiên cứu truyền thông Meltwater (Mỹ) tính toán sự kiện này thu hút khoảng 2.500 phóng viên đã mang lại cho Singapore đến 767 triệu SGD. Trong số này, giá trị quảng cáo dựa trên sự đề cập của truyền thông trực tuyến toàn cầu trong 3 ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hiện diện ở Singapore là 270 triệu SGD. Con số trên có thể còn tăng hơn nữa nếu tính luôn cả báo in, truyền hình và truyền thông xã hội. Đó là chưa kể người buôn bán ở Singapore cũng kiếm tiền từ hàng lưu niệm theo chủ đề thượng đỉnh và các sự kiện bên lề.
Số liệu mới công bố của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho thấy đánh giá trên không phải thiếu cơ sở. Theo STB, tổng số du khách đến nước này trong năm 2018 đã tăng 6,2% lên 18,5 triệu người. Tổng số tiền họ chi tiêu trong thời gian du lịch ở đảo quốc sư tử cũng tăng 1% lên 27,1 tỉ USD. Theo báo The Straits Times, STB đánh giá kết quả kỷ lục này phần nào đến từ việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều bởi sự kiện này nâng cao hình ảnh của Singapore và chứng tỏ khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế và kinh doanh lớn của nước này.
Quốc kỳ Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên ở hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh do Oxalis cung cấp)
"Không chỉ là nhà tổ chức sự kiện, Singapore còn chứng tỏ một quốc gia có thể đóng vai trò hòa giải bằng cách bồi đắp quan hệ song phương mạnh mẽ với tất cả các bên và giúp ích trong việc đưa các bên đối đầu đến gặp nhau khi cần" - ông Woo Jun Jie, chuyên gia tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định với kênh Channel NewsAsia.
Không có gì lạ khi một số chuyên gia cho rằng quan hệ giữa Singapore với Mỹ và Triều Tiên chắc chắn được củng cố hơn nữa sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan dự báo cơ hội cho doanh nhân và doanh nghiệp Singapore sẽ không ít nếu bán đảo Triều Tiên hòa bình và các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng được đảo ngược.
Niềm tin vào Việt Nam
Tương tự, cuộc gặp hôm nay (27-2) giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ có lợi cho các mối quan hệ song phương, đa phương của Việt Nam, cũng như uy tín của Việt Nam với tư cách một điểm đến hấp dẫn của giới kinh doanh, đầu tư và là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. "Tất cả các bên liên quan, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều tin tưởng Việt Nam là một nước chủ nhà trung lập. Thành công của Việt Nam sẽ tái khẳng định tính đúng đắn trong chính sách đối ngoại của nước này, đó là "đa dạng hóa và đa phương hóa" các quan hệ đối ngoại, đồng thời là "người bạn đáng tin cậy đối với tất cả các nước". Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đòn bẩy có được khi làm chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2" - ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Trường ĐH New South Wales (Úc), nhận định với đài VOA.
Về mặt quan hệ song phương, theo tạp chí The Diplomat, việc Việt Nam đứng ra tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy sẽ góp phần hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, từ đó giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như tăng cường tình hữu nghị với Triều Tiên.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), nhận định dù hội nghị là giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, việc Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam cũng rất tích cực đối với nước chủ nhà vì chuyến đi mang đến cơ hội đối thoại song phương. Theo ông, quan hệ Việt Nam - Mỹ đang nâng lên một tầm cao mới và hội nghị thượng đỉnh nói trên giúp nêu bật xu hướng đó. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng hồi năm 2017 từng ca ngợi sự phát triển kinh tế của Việt Nam là "điều kỳ diệu".
Về quan hệ đa phương, việc tích cực tham gia các vấn đề quốc tế sẽ giúp Việt Nam dễ kêu gọi sự chú ý của các đối tác khu vực và quốc tế đối với những vấn đề bận tâm. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ bổ sung vào danh sách các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Việt Nam. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam thể hiện chính sách đối ngoại chủ động, qua đó đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế cũng như cho hòa bình và an ninh khu vực. Một số chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một thành viên trách nhiệm, nỗ lực đóng góp cho hòa bình khu vực nếu hai bên tham gia hội nghị thượng đỉnh đạt được tiến bộ trong vấn đề vũ khí hạt nhân.
"Trong mắt cộng đồng quốc tế, tầm vóc của Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà thực sự là một nước có vai trò lãnh đạo, bước lên nấc thang cao nhất trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế" - ông Frederick Burke (Hãng Luật Baker McKenzie, Mỹ) đánh giá.
Hình ảnh Việt Nam được quảng bá rộng rãi
Việc đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ giúp Việt Nam chắc chắn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ du khách và nhà đầu tư, nhờ được giới truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều khi đưa tin về sự kiện. Khi đó, hình ảnh của Việt Nam sẽ được quảng bá miễn phí trên nhiều báo đài lớn, uy tín của thế giới. Theo ông Carl Thayer, các nước ở châu Á "biết rằng Việt Nam có khả năng bảo đảm an ninh, cung cấp nơi ăn nghỉ tuyệt vời và có kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp cho một cuộc gặp thượng đỉnh".
Bình luận (0)