Công an TP HCM ngày 2-4 cho biết đã chỉ đạo Công an quận 10 nhanh chóng điều tra, xử lý những người liên quan đến clip 2 thiếu niên bị đánh đập trong phòng giám thị thuộc Trường THCS Nguyễn Văn Tố (phường 14, quận 10). Liên quan vụ việc trên, UBND phường 14 đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc đối với nhân viên bảo vệ dân phố L.Q.H.
Xin tha nhưng vẫn bị đánh
Theo Công an TP HCM, khuya 31-3, tổ bảo vệ dân phố phường 14 đang làm nhiệm vụ tuần tra gần đến khu vực Trường THCS Nguyễn Văn Tố thì nghe bảo vệ nhà trường tri hô có trộm đột nhập nên đến hỗ trợ bắt lại. Cả 2 em N.P.H.T và N.D.T.A (cùng SN 2007, ngụ quận 10) bị đưa vào phòng giám thị của trường để chờ lực lượng công an đến giải quyết. Tại đây, nhân viên bảo vệ tổ dân phố L.Q.H đã đánh 2 em như clip xuất hiện trên mạng xã hội. Ngay sau đó, Công an phường 14 đã làm việc với những người liên quan, N.P.H.T và N.D.T.A (có người giám hộ). Em T. và A. cho biết từng là học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) nhưng đã bỏ học từ tháng 2-2021. Cả 2 thừa nhận đã nhiều lần vào Trường Nguyễn Văn Tố để lấy trộm tài sản.
Tiếp xúc với phóng viên, em T. kể, sau khi bố mẹ ly hôn, em sống với bố. Do ham chơi nên T. mới nghỉ học. T. và A. từng vài lần vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố lấy 1 chiếc vợt tennis, 1 máy tính dùng cho học sinh và 2 đôi giày. Tối 31-3, T. và A. rủ nhau đi chơi. Đến khuya thì tiếp tục trèo qua tường rào để vào Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Khi cả 2 mới vào sân trường thì bị phát hiện. Cả 2 được đưa vào căn phòng có camera an ninh để chất vấn. Bảo vệ dân phố L.Q.H đấm đá túi bụi vào đầu và người. "Em bị đánh đau quá liền xin chú ấy tha nhưng vẫn bị đánh. Em chỉ biết ôm mặt chịu đòn. Bạn em ngồi bên cạnh cũng bị đánh đau quá bật khóc" - T. nhớ lại.
Em N.P.H.T vẫn còn hoảng loạn sau khi được mẹ đưa vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe Ảnh: SỸ HƯNG
Theo T., chỉ đến khi có người đến can ngăn thì nam bảo vệ dân phố mới dừng tay. Còn em A. kể với công an khi bị đánh đã nhận lỗi và van xin nhưng bảo vệ dân phố tên H. vẫn không tha. "Em bị đánh rất đau. Chú ấy đấm, đá rồi lên gối thẳng vào mặt" - A. kể.
Bà M. (mẹ em T.) kể đến sáng 1-4 mới biết vụ việc. "Lúc đưa vào viện, cháu kêu đau đầu và hoảng loạn. Tôi hỏi thì cháu kể bị đánh ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Nếu con tôi sai thì bị pháp luật trừng phạt. Bảo vệ dân phố không có quyền đánh nó như thế. Tôi đề nghị cơ quan công an xử lý thích đáng những ai đánh con tôi" - bà M. yêu cầu.
Xử lý nghiêm, không bao che
Trưa 2-4, Phó Chủ tịch UBND quận 10, TP HCM Bùi Thế Hải đã có cuộc họp báo nhanh, thông tin ban đầu về vụ việc. "Khi phát hiện sự việc, lãnh đạo Quận ủy - UBND quận 10 đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, xác minh. Quan điểm của lãnh đạo quận 10 là xử lý nghiêm vụ việc, không bao che" - ông Hải khẳng định.
Trong báo cáo gửi UBND và Phòng GD-ĐT quận 10, ông Nguyễn Vi Tường Thụy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, thừa nhận để xảy ra sự việc 2 thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh dã man trong phòng giám thị là bài học đối với bản thân ông. "Đây là bài học quá đau lòng cho bản thân tôi. Tôi xin nghiêm khắc rút kinh nghiệm và chấp nhận chịu sự khiển trách của quý lãnh đạo. Tuy nhiên, hoàn toàn không biết có việc đánh đập trẻ em trong trường, thời điểm xảy ra sự việc bản thân tôi không có mặt, cũng không biết là có sự việc đánh đập các em cho đến khi xem clip trên mạng" - ông Thụy trình bày.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết đã ký công văn gửi Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề nghị phối hợp với Sở GD-ĐT, Công an TP và các cơ quan liên quan, kiểm tra, xác minh thông tin và xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan. Các cơ quan phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó có quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để xảy ra vụ việc vi phạm các quyền trẻ em.
Ông Nam cho rằng cộng đồng dân cư, gia đình, như hàng xóm, cha mẹ… khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực thì cần phải thông báo ngay với cơ quan chức năng. Đặc biệt, sử dụng tích cực hơn nữa dịch vụ bảo vệ trẻ em qua tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để cơ quan chức năng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, can thiệp.
Cùng ngày, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận em Th. và A. đang được điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp. Cả 2 bị chấn thương đầu do bạo hành. Sức khỏe các em đã ổn định, xuất viện vào chiều 2-4.
Đánh trẻ em có thể tù đến chung thân
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Hiến pháp năm 2013 quy định: "Trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".
Nhóm người trên tự ý tạm giữ người, điều tra xét hỏi và đánh đập trẻ em (dù có vi phạm) là dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trong trường hợp này, người mặc đồ bảo vệ dân phố có hành vi đánh, đạp 2 thiếu niên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp đánh đập người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân...
Tr.Hoàng
ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Hành động rất dã man, độc ác
Tôi có xem hình ảnh này trên báo và nhiều người cũng trao đổi với tôi thì thấy đây là hành vi rất dã man. Anh bảo vệ dân phố đã tung chân đá thẳng vào mặt cháu bé, khi thiếu niên này đang ngồi thì anh bảo vệ dân phố xông vào đấm đá. Có thể nói là hành vi rất ác độc, đánh mang tính chất triệt hạ.
Khi anh này lao vào đánh cháu bé mấy lần liền nhưng chỉ có một người vào can ngăn (có vẻ hời hợt) chứ cũng không kéo ra hay đứng che chắn. Như vậy có thể nói là những người lớn có mặt ở đó cũng bàng quan trước sự việc. Những người có mặt lúc đó phải chịu trách nhiệm về vấn đề này bởi đã để cho tình trạng vi phạm pháp luật trắng trợn như thế xảy ra. Một là bao che, hai là đồng lõa, ba là thiếu tinh thần trách nhiệm. Tôi cho rằng là bản thân nhà trường và lãnh đạo phường, những người lãnh đạo cao nhất ở đây cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Nếu đến mức thì phải xử lý hình sự
Luật pháp của Việt Nam không cho phép bất cứ ai xâm phạm thân thể con người, dù người đó là cha mẹ hay người thân ruột thịt. Tôi cho rằng dù các cháu có ăn trộm đi nữa thì cũng không được phép đánh người mà chỉ giữ rồi lập biên bản, báo cho cơ quan công an đến xử lý.
Tôi đề nghị cơ quan công an vào cuộc, nếu đến mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự là phải truy cứu trách nhiệm hình sự; còn không cũng phải xử lý hành chính, yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi gia đình. Đây là việc gây bức xúc dư luận, cần xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh cho những người khác.
Văn Duẩn ghi
Bình luận (0)