Hội thảo "MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng" diễn ra sáng 18-12 - Ảnh: V Duẩn
Sáng 18-12, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo "MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng".
Phải chống chủ nghĩa thân hữu
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh tình trạng tham nhũng rất nhức nhối, diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, có cả tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, làm xói mòn đạo đức xã hội, hư hỏng cán bộ, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của nhà nước.
Các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa đầy đủ, hoàn thiện, còn thiếu những cơ chế thật sự có hiệu quả, tin cậy để bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng như việc xử lý thiếu kịp thời, kiên quyết đối với người trả thù, trù dập người tố cáo; việc khen thưởng người tố cáo còn mang tính hình thức, chưa kịp thời, mức khen thưởng thấp nên chưa động viên, khuyến khích được người dân dũng cảm tố cáo tham nhũng.
PGS-TS Ngô Huy Cương, giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng phải chống tham nhũng để cứu chế độ. "Tổng Bí thư rất nóng nhưng các tổ chức chính trị khác thì có vẻ lại nguội. Muốn nâng cao vai trò thì MTTQ thì phải có kiến nghị. Tham nhũng như lũ chuột sợ ánh sáng ban ngày. Và chúng rất sợ sự công khai, minh bạch. Do đó, cần phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí"- ông Cương bày tỏ.
PGS-TS Ngô Huy Cương đề nghị cần phải đặc biệt quan tâm trong công tác cán bộ. "Tất cả mọi hiện trạng hiện nay đều do công tác cán bộ. Phải chống chủ nghĩa thân hữu, không ai dám nói sự thật. Không dám nói sự thật thì không thể chống được tham nhũng. Bởi chủ nghĩa thân hữu bao che tham nhũng"- ông Cương nói.
PGS-TS Ngô Huy Cương: Phải chống chủ nghĩa thân hữu - Ảnh: Văn Duẩn
Phải kiểm soát tài sản
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH), cho rằng ông không quá lạc quan về tất cả thành tựu PCTN vừa rồi.
"Từ khi tôi bước chân vào QH, tôi thấy QH luôn luôn có một câu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp là việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. 10 năm rồi vẫn chưa tương xứng và không bao giờ tương xứng vì công cuộc PCTN nó quá khó khăn"- ông Quyền nói.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền: Vấn đề kiểm soát tài sản, ở các nước không có luật PCTN mà có luật kiểm soát tài sản-Ảnh: Văn Duẩn
Phân tích cụ thể hơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng thứ nhất, chế độ công vụ của chúng ta không rõ, trách nhiệm của từng vị trí công tác không rõ.
Thứ hai là vấn đề kiểm soát tài sản, ở các nước không có luật PCTN mà có luật kiểm soát tài sản. "Bất kể một tài sản của anh A dịch chuyển cho anh B đều bị phát hiện. Còn ở mình, nào thì kê khai, công khai nơi cư trú, chẳng để làm gì cả. Tôi phụ trách lĩnh vực đó trong 2 nhiệm kỳ, và lần nào trong các báo cáo thẩm tra tôi cũng khẳng định đó là việc hình thức"- ông Quyền bày tỏ.
Nguyên nhân thứ 3, các thiết chế để phát hiện, điều tra tham nhũng đặc biệt ta không có. Ở các nước, điều tra, phát hiện tham nhũng đều có thiết chế đặc biệt, cơ quan đặc biệt". Tôi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đi Nam Phi và thấy họ có một đội trực thuộc Tổng thống luôn, không bị một thiết chế nào khác. Họ có cả quy trình tố tụng đặc biệt"- ông Quyền nói.
Thứ 4, chúng ta có quá nhiều kẽ hở trong quản lý Nhà nước. "Chúng ta cứ kỳ vọng Luật PCTN ra đời sẽ có chuyển biến, nhưng Luật PCTN chỉ đóng vai trò rất nhỏ, nếu chúng ta cứ kỳ vọng là hơi quá"- Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nói.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng chỉ việc tuyển dụng một cô giáo mầm non nếu quy chế không chặt chẽ cũng sẽ có tham nhũng; quy chế tiêm phòng cho trẻ em không rõ cũng phát sinh tham nhũng. "Ti tỉ thứ dễ phát sinh tham nhũng trong hệ thống pháp luật, nếu chúng ta không chặt chẽ. Bất cứ cơ chế gì xin-cho, đều là tham nhũng hết. Duyệt cái nọ, duyệt cái kia đều có. Do đó cần có cuộc cải cách, ở các nước đâu cần những cái đó mà họ đưa ra tiêu chí cụ thể, công khai, minh bạch"- ông bày tỏ.
Tiếp đó, ông Quyền cũng nhấn mạnh chúng ta thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực. Trong tư pháp chúng ta có nhưng chưa hiệu quả. Ví dụ Viện Kiểm sát thì kiểm soát quyền lực quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng ai kiểm soát quyền lực thanh tra, kiểm toán?
"Ở Vinashin, Vinalines, 10 đoàn thành tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện ra gì. Trong Luật PCTN, tôi đề nghị đưa 1 câu thôi, đó là "Nếu đoàn thanh tra, kiểm toán đã vào, đã thanh tra và kiểm toán mà không phát hiện gì, nếu sau này các cơ quan khác phát hiện thì toàn bộ đội ngũ đó phải chịu kỷ luật và bị xử lý". Nhưng không ai đưa vào cả. Các anh vào mãi, vào bao nhiêu đoàn, khéo có trường hợp sau này cầm phong bì rồi nhưng khi phát hiện ra anh lại chẳng ý kiến, chẳng chịu trách nhiệm gì, đó là có vấn đề"- ông nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, người tố cáo bị trù dập rất nhiều. trước đây ở Uỷ ban Tư pháp của QH nhận được rất nhiều đơn thư về việc người tố cáo bị trù dập, trù dập một cách vô hình, người ta không trực tiếp trù dập mà xúi người nọ người kia, có người tố cáo tham nhũng sau đó không thể vay ngân hàng để sản xuất vì có người đứng sau chỉ đạo, trù dập đến mức đó.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho biết nhiều vụ án xử rồi nhưng người dân không đồng tình, MTTQ nên có những giám sát.
Theo ông Đường, thiết chế thanh tra của nhà nước ta không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà vẫn là thiết chế quản lý nhà nước, vì vậy kết luận thanh tra phải thông qua người ra lệnh thanh tra, chứ đoàn thanh tra không tự ra kết luận được.
"Các vụ tham nhũng được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận thì đã được thanh tra rồi đấy chứ. Vụ Lê Phước Hoài Bảo ở tỉnh Quảng Nam, trước đó Bộ Nội vụ đã thanh tra và khẳng định đúng quy trình rồi đấy chứ. Nên đừng hy vọng vào thanh tra nhiều, nó không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà là thiết chế để quản lý. Cần thay đổi chỗ này. Với vụ án xử lý rồi nhưng dư luận không đồng tình thì MTTQ nên vào cuộc xem xét đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tiếp"- GS Đường nói.
Khó nhất là công tác phát hiện
Trong cơ chế hiện nay phát sinh tham nhũng là tất yếu nên cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. "Hiện nay cái khó nhất là công tác phát hiện, vì các bộ máy cứ bao bọc, khép kín, rất kinh khủng. Chúng ta cứ nói công khai minh bạch nhưng toàn công khai trong hội nghị giao ban của đơn vị thì ai biết cái gì. Chúng ta nói nhưng không làm đúng như vậy"- ông Nguyễn Đình Quyền cho hay.
"Chúng ta đang cố gắng nỗ lực nhưng tất cả những điều kiện này nếu không được hoàn thiện thì rất vô vọng"- Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nhận định.
Bình luận (0)