Theo ông Hiếu, dự thảo tiêu chuẩn trên đưa ra các khuyến nghị thực hành đối với sản xuất nước mắm dựa vào việc nhận diện mối nguy ở từng công đoạn sản xuất và không có tính bắt buộc các nhà sản xuất tuân theo. Việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ giúp nhà sản xuất nâng cao được uy tín, thương hiệu. "Văn bản này được xây dựng trong 2 năm, trải qua 7 lần dự thảo và tuân thủ đúng pháp luật trong soạn thảo TCVN. Dự thảo lần cuối cùng, các hồ sơ liên quan đã được chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét ban hành. Trong quá trình thực hiện, ban soạn thảo đã đi khảo sát thực tế tại các vùng sản xuất nước mắm trọng điểm của cả nước (miền Bắc, Trung, Tây Nam Bộ) và tổ chức nhiều hội thảo tiếp thu ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm. Có một thực tế là nhiều DN vì mải lo kinh doanh, không quan tâm góp ý các văn bản liên quan trong quá trình xây dựng, đến khi ban hành bị tác động đến sản xuất - kinh doanh thì mới lên tiếng" - ông Hiếu nhận xét.
Về khả năng hoãn ban hành TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do chưa nhận được sự đồng thuận của các hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống, ông Hiếu nói thẩm quyền đang thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cùng ngày, TS Trần Thị Dung - chuyên gia về nước mắm, thành viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống - cho biết sẽ gửi văn bản kiến nghị chính thức đề nghị hoãn ban hành TCVN trên. Theo bà Dung, các nhà sản xuất nước mắm biết TCVN là tự nguyện, không bắt buộc áp dụng nhưng nó sẽ được sử dụng như là một căn cứ để xây dựng, chỉnh sửa và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (bắt buộc áp dụng) về thực hành sản xuất nước mắm sau này. Do đó, khi dự thảo TCVN không hợp lý, các nhà sản xuất nước mắm phải lên tiếng.
Bình luận (0)