Tiếp tục hứa bồi thường
Sáng 1-10, Sở NN-PTNT Bình Định cho biết Công ty Đại Nguyên Dương đã ký vào bản cam kết sẽ hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu vỏ thép ở địa phương, do đơn vị này đóng nhưng bị hư hỏng với số tiền 811 triệu đồng, thời hạn trước ngày 29-10-2018. Trong đó, ông Võ Tuân 225 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Lý 136 triệu, ông Nguyễn Văn Mạnh 136 triệu, ông Nguyễn Văn Chương 176 triệu và ông Trần Minh Vương 208 triệu.
Một chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, bị hư hỏng nặng sau khi hạ thủy chưa lâu
Đối với số tiền lãi suất 1% vay vốn ngân hàng trong thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, Công ty Đại Nguyên Dương sẽ chịu trách nhiệm chi trả sau khi ngân hàng tính toán cơ cấu lại nợ. Còn số tiền lãi suất được tính do nợ quá hạn (6%), 2 bên thống nhất chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ hay không rồi sẽ thống nhất sau. Ngoài ra, Công ty Đại Nguyên Dương đồng ý hỗ trợ thêm 150 triệu đồng cho ông Võ Tuân; do trong quá trình sửa chữa, công nhân công ty này đã làm hỏng máy dò cá tàu ông Tuân.
Riêng số tiền 650 triệu đồng mà Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng mỗi chủ tàu hiện còn đang nợ của công ty này, Sở NN-PTNT Bình Định đang báo cáo UBND tỉnh Bình Định xem xét, quyết định. Trường hợp không giải quyết được thì đưa ra tòa án xử lý. Bởi vì, theo các chủ tàu, khoản tiền 650 triệu đồng nói trên là do trước khi đóng tàu, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương hứa hỗ trợ họ.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện chỉ còn vướng ở khoản tiền 650 triệu đồng mà Công ty Đại Nguyên Dương nói chủ tàu nợ, còn chủ tàu nói số tiền đó công ty hỗ trợ. "Về vấn đề này, chúng tôi sẽ có tham mưu, báo cáo với UBND tỉnh và đề xuất UBND tỉnh báo cáo cho Bộ Công an hoặc có giải pháp xử lý. Sở không họp nữa!", ông Hổ nói.
Bí ẩn khoản "hỗ trợ" 650 triệu đồng
Trước đó, tại cuộc họp do Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương và các chủ tàu đã tranh cãi nảy lửa về số tiền 650 triệu đồng. Theo Công ty Đại Nguyên Dương, do mỗi chủ tàu hiện còn đang nợ công ty 650 triệu đồng, công ty đang gặp khó khăn nên chưa có tiền hỗ trợ cho ngư dân như đã cam kết trước đó.
Ngư dân bức xúc vì Công ty Đại Nguyên Dương chây ì, không bồi thường
Trong khi đó, 5 chủ tàu đều cho rằng đó là số tiền đại diện Công ty Đại Nguyên Dương cam kết hỗ trợ. Trong đó, 500 triệu đồng hỗ trợ để bà con tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo chuyến biển đầu tiên; còn 150 triệu đồng hỗ trợ lo chỗ ăn, chỗ ở cho ngư dân trong quá trình đóng tàu.
"Trước khi ký hợp đồng đóng tàu, có người giới thiệu là đại diện Công ty Đại Nguyên Dương tìm đến nhà hứa, nếu đóng tàu ở Đại Nguyên Dương thì công ty sẽ trích 1% giá trị số tiền vay của con tàu. Sau đó, công ty cho 500 triệu để bà con tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo chuyến biển đầu tiên. Trong hợp đồng, công ty lo chỗ ăn, chỗ ở cho ngư dân nhưng thực chất ngư dân tự lo. Sau một thời gian đóng tàu, giám đốc Đại Nguyên Dương đưa cho ngư dân 150 triệu đồng nữa nói là tiền đi lại trong quá trình đóng tàu. Tuy nhiên, khi làm lễ bàn giao tàu, Công ty Đại Nguyên Dương soạn sẵn 1 biên bản ghi các chủ tàu đề nghị thỏa thuận cho vay số tiền 650 triệu đồng để làm vốn đối ứng rồi ép chủ tàu ký vào", ngư dân Võ Tuân (ngụ huyện Phù Mỹ, chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS), bức xúc.
Theo 5 chủ tàu trên, trong quá trình đánh bắt bị hư hỏng và thời gian tàu nằm bờ chờ sửa chữa, tổng số tiền thiệt hại của họ lên đến 9 tỉ đồng. Thậm chí nhiều người còn suýt mất mạng do tàu bị hư hỏng trong lúc đánh bắt. "Thấy Công ty Đại Nguyên Dương gặp khó khăn, chúng tôi chấp nhận chịu nhiều thiệt hại, chỉ yêu cầu bồi thường hơn 800 triệu đồng. Vậy nhưng công ty này vẫn chây ì, hứa hẹn hoài mà không chịu trả tiền. Mấy chục cuộc họp rồi mà chẳng giải quyết được gì", ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (ngụ huyện Phù Mỹ, chủ tàu cá BĐ 99567 TS) chua xót.
Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên cho rằng chủ tàu còn nợ tiền nên chưa bồi thường
Ngày 1-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vụ việc trên, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, cho biết người hứa hỗ trợ cho ngư dân đó là kế toán công ty chứ không phải ông. "Lúc đi tiếp cận khách hàng, họ hứa thế nào, tôi là giám đốc công ty mà thật sự không biết gì. Sau đó, họ về lừa cả công ty để lấy tiền nên tất cả bây giờ tôi là người gánh hậu quả, thiệt hại lớn nhất đến lúc này là công ty phá sản, gia đình tan nát. Vụ việc này, tôi cũng đã trình bày với cơ quan công an rồi. Bây giờ tôi đang rất mệt mỏi, không thể trình bày nhiều với anh được...", ông Nguyên phân trần.
Như đã thông tin, đầu năm 2017, sau khi đưa vào hoạt động chưa được bao lâu, 20 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67/CP với giá từ 15-20 tỉ đồng/tàu đã bị hư hỏng, gỉ sét nặng. Trong đó, có 15 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải phòng) đóng và 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Tháng 4-2018, sau nhiều cuộc họp, Công ty Nam Triệu đồng ý bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 3,5 tỉ đồng cho 14 chủ tàu (một trường hợp không yêu cầu bồi thường) bị hỏng. Đến thời điểm này, Công ty Nam Triệu đã cơ bản bồi thường, hỗ trợ xong cho các chủ tàu.
Bình luận (0)